Con đường của nông thôn mới

Con đường của nông thôn mới
Cách đây mấy tháng, con đường vào ấp 2, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) vẫn còn lầy lội, khó đi, nhưng nay đã được bê tông hóa. Đường mới mở ra làm thay đổi bộ mặt của một vùng quê, người dân ai nấy vui mừng gọi đây là con đường nông thôn mới. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới, kiên cố vừa cất xong. Đến khi vào vụ thu hoạch, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở nông sản, trái cây ra vào liên tục, rộn ràng cả một vùng.
Con đường mang tên Xuyên Mộc dẫn vào khu vực ấp 2, xã Xuân Hòa đã được xây dựng mới.
Con đường mang tên Xuyên Mộc dẫn vào khu vực ấp 2, xã Xuân Hòa đã được xây dựng mới.

Diện mạo nông thôn thay đổi là do bà con đã bỏ tiền bạc, công sức, tự giác hiến đất của gia đình để cùng chính quyền địa phương mở đường, xây dựng nông thôn mới.

* Mong chờ con đường mới

Nằm sát quốc lộ 1 nhưng hàng chục năm qua, muốn vào khu vực ấp 2, xã Xuân Hòa ai nấy đều ngao ngán. Vào mùa mưa, những con suối chảy xiết khiến nước dâng cuồn cuộn chia cắt mặt đường thành “con sông” nhỏ. Muốn qua “sông”, người dân phải lấy thân cây, ván gỗ ghép lại với nhau rồi dùng đinh, dây thép kết chặt tạo thành “cây cầu” tạm bất đắc dĩ.

Đường vốn đã xấu lại không được sửa chữa, khi phải “cõng” những đoàn xe tải chở nông sản qua lại cày xới nên tuyến đường càng bị băm nát, lầy lội hơn. Những chiếc xe tải gầm rú, bốc khói đen mù trời để băng qua đoạn đường lầy lội hay vài chiếc xe máy đang đi bỗng ngã nhào trở thành chuyện thường ngày ở đây.

“Địa hình ở đây đồi núi nên có độ dốc cao, mỗi khi mưa xuống, nước chảy mạnh, cuốn theo không biết bao nhiêu đất đá. Hôm trước đường đang dễ đi, vậy mà sau cơn mưa lớn đã trở nên lầy lội, bùn đất ngập cả nửa bánh xe. Việc đi lại vốn dĩ khó khăn nên việc vận chuyển nông sản đành bó tay. Cho nên, thương lái họ ép giá nông sản nhiều lắm, người dân buộc phải cắn răng chấp nhận, không bán thì chỉ có vứt đi” - ông Hoàng Thanh Bạch, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết.

Theo ông Bạch, dù điều kiện tự nhiên không được ưu đãi, đất đai khô cằn, nắng hạn kéo dài nhưng khu vực ấp 2 là vựa trái cây đặc sản của xã Xuân Hòa. Những nhà vườn lớn ở đây đều từ các tỉnh miền Tây đến đây lập nghiệp, đã góp phần làm xuất hiện những vườn cây ăn trái sum suê, cho năng suất cao. Từ một vài hộ trồng, đến nay phong trào trồng cây ăn trái với các loại quả đặc trưng, như: xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, cam quýt… lan nhanh khắp toàn ấp.

Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở nông sản, trái cây ra vào liên tục. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các hộ nông dân là đường đi lại, việc vận chuyển khó khăn khiến giá cả nông sản thấp hơn những nơi khác trong huyện. Gặp những năm thất mùa, giá xuống, người dân như ngồi trên “đống lửa” mà không biết phải làm sao.

Trưởng ấp 2, xã Xuân Hòa Đặng Xuân Vẽ cho biết: “Trước đây, xe ô tô không thể vào trong ấp mà chỉ có thể đứng ngoài quốc lộ. Nhưng bây giờ, đường được mở rộng 3,5m, tất cả các phương tiện di chuyển đều dễ dàng. Ấp 2 giờ đã thay đổi từng ngày, trở thành khu vực sôi động, xe cộ chở hàng hóa vào ra nườm nượp”.

“Nhà tôi có hơn 5 hécta xoài, trong đó chủ yếu giống xoài cát Hòa Lộc, chất lượng không thua những nơi khác nhưng giá bán bao giờ cũng thấp hơn. Khi xoài không bán được thì chỉ biết chất đống trong sân, nếu có bán cũng chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ và luôn bị thương lái ép giá. Ngày trước mỗi khi cuối vụ bù trừ hao phí, tiền lời thu về không được bao nhiêu” - nông dân Nguyễn Văn Long (50 tuổi) tâm sự.

Không riêng gì ông Long, nông dân Năm Cho (65 tuổi) nhiều lần gặp hoàn cảnh tương tự đành bó gối hoặc nài nỉ thương lái thêm ít giá để bù lại công sức một năm vất vả chăm bón cây trái. Biết việc vận chuyển hàng hóa khó khăn nên khi vườn nhãn, chanh của gia đình bước vào vụ thu hoạch, ông chủ động chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mối lái mà không chờ họ đến đặt hàng.

“Đoạn đường chỉ hơn 6km nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tội nhất là lũ trẻ, chúng đến trường khá vất vả, vào mùa mưa người lớn phải đưa đón. Hay nhiều người, dù có tiền nhưng muốn cất nhà mới cũng ngại vì xe tải không thể đi qua 2 cây cầu gỗ đang mục nát. Muốn đưa vật liệu xây dựng vào trong ấp, phải dùng xe bò chở, lội suối mới đi được” - ông Năm Cho thở dài rồi nói.

* Chung sức xây dựng…

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song nhiều hộ dân ấp 2 sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường bê tông kiên cố thay thế con đường đất “đau khổ” trước đây.

Kể từ khi có quyết định xây dựng đường Xuyên Mộc (đường đi vào ấp 2) với chiều dài hơn 6km, do Nhà nước và người dân cùng làm và hoàn thiện ngay giữa mùa mưa, người dân địa phương ai nấy đều vui mừng. Từ nay, trẻ em đến trường không còn thấp thỏm lo sợ gặp phải sự cố nếu đi trên những cây cầu gỗ tạm. Việc vận chuyển nông sản cũng thuận lợi, nhiều xe chở hàng lớn đã vào sâu bên trong. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới, kiên cố vừa được cất xong.

Cây cầu tạm bắc qua con suối trước đây.
Cây cầu tạm bắc qua con suối trước đây.

“Đường có bề ngang 3,5m thuận lợi cho giao thương, đi lại. Gia đình tôi đóng hơn 20 triệu đồng, chung tay với chính quyền xã xây dựng con đường mới. Mùa xoài sắp tới, tôi chẳng còn lo cảnh xoài chín đổ đống mà xe ô tô tải không vào được. Nông dân chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào sản xuất và hạ tầng giao thông để nâng cao năng suất cây ăn trái và việc thu mua được thuận tiện” - ông Huỳnh Văn Bảy (55 tuổi) tâm sự.

Theo ông Hoàng Thanh Bạch, trung bình mỗi hộ dân có đường đi qua đã tự nguyện đóng góp từ 15-25 triệu đồng, riêng ông Hồ Sơn Tư đã hiến 3 sào đất (tương đương 150 triệu đồng). Hệ thống đường giao thông trên địa bàn ấp đang dần hoàn thiện đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Một số tuyến đường còn lại đang được lập hồ sơ phê duyệt sẽ thi công hoàn chỉnh trong thời gian tới.

“Xuân Hòa đã hoàn thành kết quả xây dựng xã nông thôn mới. Điều này tạo động lực rất lớn để chính quyền và nhân dân vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ riêng ấp 2 mà ở các ấp khác, sự xuất hiện của những con đường bê tông mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của một xã nghèo khó” - ông Bạch cho hay.

Theo baodongnai.com.vn