Còn nhiều bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai

Theo Luật Đất đai năm 2013 hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Tham gia ý kiến vào nội dung giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng thời gian qua, chính sách lập pháp về đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, thông qua đó đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung tích tụ được đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất. Tuy nhiên, quá trình tích tụ đất đai diễn ra còn chậm, cần tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện về chính sách pháp luật.

Tại tỉnh Bình Phước, với diện tích 700.000 ha, trong đó đất trồng cây lâu năm chiếm gần 400.000 ha. Trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đất đai luôn được xác định là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp đang đứng trước tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát triển bền vững không còn con đường nào khác là cần tổ chức lại sản xuất, trong đó tích tụ, tập trung ruộng đất trở thành một nội dung rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập của nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn.

Nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV và cho đó là một nút thắt cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, thực tế giải quyết vấn đề này rất chậm, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.

Theo Luật Đất đai năm 2013 hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Quy định như vậy không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương của chúng ta là xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc cũng như chủ động vùng nguyên liệu,” ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng qua khảo sát ở Bình Phước và một số địa phương cho thấy thực hiện chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn do vướng hạn mức giao đất. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu cho biết, việc tích tụ đất đai có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Muốn có được 100ha đất để hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, doanh nghiệp phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người nông dân với giá thực tế của thị trường.

 

Khi hợp thức thì chủ sở hữu chỉ được 30 ha đất theo quy định của luật, 70 ha còn lại phải chuyển sang hình thức cho thuê, trả tiền hàng năm hoặc 1 lần, dù thực tế, diện tích này họ đã bỏ tiền mua theo giá thị trường.

Điều này cũng có nghĩa, 70 ha đất có giá khoảng 50 tỷ đồng trở về giá trị tài sản bằng 0, tức là không thể thế chấp vay ngân hàng để đầu tư phát triển,” ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Một bất cập trong chính sách về đất đai mà các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất vướng và gặp khó khăn, đó là họ phải thuê đất của chính mình đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người khác khi xây dựng nhà xưởng sản xuất., thành lập doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để thành lập doanh nghiệp, họ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, khi trở thành doanh nghiệp, diện tích đất tiền tỷ của họ trở về giá trị bằng 0 vì chuyển sang thuê trả tiền hàng năm hoặc 1 lần, khiến họ không có tài sản đối ứng trong bước đầu hình thành doanh nghiệp. Điều này đã tước đi của họ một điều kiện quan trọng trong việc vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực ban đầu vài chục tỷ đồng là rất lớn.

Theo số liệu thống kê, hiện nay nước ta có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 10 triệu ha với gần 14 triệu hộ nông dân, trong đó, 70,4% hộ có tổng diện tích dưới 0,5ha và 3,4% số hộ có diện tích trên 3 ha. Hệ lụy của sự manh mún này gặp khó khăn trong sản xuất theo hướng hàng hóa, phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Trước hạn chế đó, thời gian qua nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn. Nhưng kết quả cũng chưa được là bao. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, với những hạn chế, bất cập như vậy, nếu không tháo gỡ kịp thời, đồng bộ, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất bền vững.

Việc tích tụ ruộng đất hiện có nhiều cách như thông qua hợp tác, liên kết nông hộ, liên minh nông hộ và doanh nghiệp để dẫn đến tăng quy mô ruộng đất, xuất hiện các trang trại của nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Chủ trương hỗ trợ của nhà nước để tổ chức sản xuất có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, ngoài việc quy định xác lập quyền sở hữu về tài sản đầu tư trên đất, giá trị đi đôi với việc xác lập việc sử dụng đất cần phải sớm sửa đổi hạn mức giao đất, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 129, 130 của Luật Đất đai năm 2013 và các chính sách pháp luật có liên quan, đó cũng là mong muốn của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, tổ chức, người nông dân và cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng”.

Đây cũng là nội dung liên quan đến nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế đồng bộ, toàn diện và thực chất, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ này đến hết năm 2017 - 2018 và những năm tiếp theo.

http://infonet.vn/