Còn nhiều "nút thắt" trong thực hiện Luật Hợp tác xã

- Theo dự thảo báo cáo sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,số lượng hợp tác xã của cả nước đã tăng từ 18.986 hợp tác xã (năm 2013) lên 19.569 hợp tác xã (năm 2016).
Ngày 08/08/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. 
Hoạt động của hợp tác xã đã đi vào thực chất hơn
Phát biểu tại hội thảo, bà Mai Thị Thu Hường, Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2013. Các hợp tác xã bước đầu đã hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô hoạt động của kinh tế thành viên. 
Theo dự thảo báo cáo sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, thì số lượng hợp tác xã của cả nước đã tăng từ 18.986 hợp tác xã (năm 2013) lên 19.569 hợp tác xã (tăng 583 hợp tác xã, năm 2016), thu hút trên 6,2 triệu thành viên. Tuy tổng số hợp tác xã tăng không nhiều, nhưng hoạt động đi vào thực chất hơn. Số hợp tác xã mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả. 
Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2016 đạt 3.017 triệu đồng/HTX, tăng 498,3 triệu đồng (tăng 19,8%); trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 1.573,8 triệu đồng năm 2013 lên 1.929 triệu đồng năm 2016, tăng 355,2 triệu đồng (tăng 22,56%, chiếm 64% doanh thu bình quân của một hợp tác xã).
Hoạt động của các hợp tác xã đã đi vào thực chất hơn

Cùng với doanh thu, bà Hường cũng cho biết, lãi bình quân của một hợp tác xã đã tăng từ 155 triệu đồng năm 2013 lên 196,8 triệu đồng năm 2016 (tăng 26,9%).  Lãi bình quân của một hợp tác xã tăng từ 155 triệu đồng/HTX/năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/HTX/năm 2016 (tăng 41,8 triệu đồng/HTX/năm, khoảng 26,7%).
Theo đó, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016 (tăng khoảng 8,5 triệu/đồng trong 03 năm, tăng 37,3%). Thông qua hợp tác xã, đời sống của thành viên và lao động trong hợp tác xã được tăng lên đáng kể.
Tổng số cán bộ hợp tác xã tăng từ 71.595 người năm 2013 lên 76.154 người năm 2016 (tăng 4.559 người, tương đương 6,36%). Điều đáng kể là đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo cũng được tăng theo thời gian (số lượng cán bộ qua đào tạo sơ, trung cấp tăng 4.184 người, tương đương 11,5%), qua đó mang lại nhiều khởi sắc trong tổ chức và quản lý đối với các hợp tác xã.
“Theo báo cáo không đầy đủ của các tỉnh, thành phố, đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của địa phương cũng tăng từ 1,69% năm 2013 lên 1,96% trong năm 2016. Điều này cho thấy khu vực hợp tác xã ngày càng hoạt động ổn định, có đóng góp nâng cao kinh tế hộ thành viên và từ đó phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Hường cho biết.
Vẫn còn nhiều “nút thắt”
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song bà Mai Thị Thu Hường cũng thẳng thắn chỉ rõ các tồn tại trong quá trình hoạt động của các hợp tác xã, đó là: đa số các hợp tác xã có ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các hộ xã viên rất hạn chế, khó vay vốn trung, dài hạn từ ngân hàng. Trong giai đoạn 2013-2016, vẫn còn tình trạng các hợp tác xã tồn tại từ trước 01/07/2013 ngừng hoạt động, chưa giải thể do còn nợ đọng không giải quyết được.
Nói về tình hình thực tế của các hợp tác xã ở địa phương mình, ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp Phú Thọ cho biết, hiện nay, tỷ lệ các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 rất cao, nhưng bản chất hoạt động vẫn theo cái cũ nhiều. Các dịch vụ trong nông nghiệp đầu vào, như: giống, phân, thuốc trừ sâu… có rất nhiều, nhưng việc tìm thị trường đầu ra cho các hàng hóa này thì lại hơi yếu, dẫn đến tình trạng nông sản làm ra không bán được. Rất nhiều hợp tác xã có tỷ lệ thành viên lớn, đại trà dẫn đến việc thống nhất khi triển khai ý tưởng kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã TP. Hà Nội cho biết một phần là do việc chậm hướng dẫn triển khai Luật hợp tác xã, nhất là vấn đề giải thể hợp tác xã.
“Nhiều hợp tác xã đã được huyện ra quyết định giải thể rồi, nhưng vì vướng một số thủ tục nên hợp tác xã đó chưa giải thể được, nên phải tiếp tục gia hạn quyết định trên”, ông Thành cho biết.
Bên cạnh đó, một số văn bản của Trung ương trong quá tình triển khai còn nhiều vướng mắc. Việc đánh giá hiệu quả của các hợp tác xã còn khó, như vấn đề phân loại các hợp tác xã, tiêu chí tiêu chuẩn để đánh giá các loại hình hợp tác xã hiệu quả…
Còn theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, thì hiện nay nhận thức về vai trò, vị trí mô hình hợp tác xã vẫn chưa cao, thậm chí đâu đó vẫn chưa tin tưởng vào vai trò, vị trí của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Các hợp tác xã hiện nay còn manh mún, tự phát, quy mô hoạt động và năng lực thực tế của hợp tác xã vẫn còn hạn hẹp; chưa xây dựng phương án đầu tư sản xuất kinh doanh tốt, hệ thống sổ sách về tài chính chưa rõ ràng, minh bạch, dẫn đến khó khăn khi vay vốn từ ngân hàng”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành chậm được cụ thể hóa và chưa sát với yêu cầu của thực tiễn, nên chưa khuyến khích được các cá nhân, gia đình tham gia. Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành nhưng thiếu nguồn lực triển khai thực hiện.
“Bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã chưa được kiện toàn theo yêu cầu, công tác quản lý chưa được thường xuyên liên tục; các cán bộ phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về hợp tác xã, chính vì vậy, còn lúng túng trong việc triển khai pháp luật về hợp tác xã”, ông Vũ cho biết.
Tạo thuận lợi cho hợp tác xã phát triển
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, bà  Mai Thị Thu Hường cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về pháp luật hợp tác xã. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã. 
Ông Nguyễn Văn Vũ bày tỏ, cần ngay những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã để tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, có các chương trình, gói tín dụng cho vay đối với hợp tác xã, đặc biệt đối với những hợp tác xã tham gia vào công nghệ cao, công nghệ sạch… 
Đại diện phía hợp tác xã, ông Nguyễn Trung Thành cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có những đề xuất, kiến nghị như nguồn kinh phí hỗ trợ cho hợp tác xã; xem xét quy định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã; hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… 
Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, cần mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã. Bên cạnh phương thức sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, hợp tác xã có thể liên kết kinh tế với các hợp tác xã khác cùng hoạt động trên cùng lĩnh vực, ngành nghề trên nhiều địa bàn lãnh thổ khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã của Canada, bà Gaby Breton, Giám đốc VCED lại cho rằng, cơ sở pháp lý là nền tảng cho hợp tác xã phát triển. Đầu tiên cần phân tích về bối cảnh toàn cầu hóa có nên hợp nhất và sáp nhập để mạnh hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hay không? Bên cạnh đó, đối với các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, thì cần phải giải thể để làm trong lành hơn môi trường hợp tác xã. Pháp luật phải xây dựng phải thừa nhận tư cách pháp lý của hợp tác xã, phù hợp với những gì liên hiệp hợp tác xã thế giới đã khuyến cáo.
Khi thực thi pháp luật, thì cần quan tâm đến các cơ chế để đưa luật vào cuộc sống, tạo môi trường để các bộ ngành có thể nhập cuộc, tạo ra sự liên kết của các hợp tác xã trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, cần tạo lập 1 mối liên kết để các cơ quan liên quan hỗ trợ hợp tác xã, kể cả cơ quan phi chính phủ.
Ngoài ra, cũng cần phải giám sát hợp tác xã bằng các công cụ theo dõi và áp dụng. Ví dụ như ở Canada, Nhà nước quy định các báo cáo của hợp tác xã phải được kiểm toán trước khi nộp lên Chính phủ, vì vậy rất yên tâm về các số liệu thống kê trong các báo cáo này, từ đó có được bức tranh rất rõ ràng về hợp tác xã để đưa ra các biện pháp tháo gỡ nếu có khó khăn./. 
Kim Hiền
http://kinhtevadubao.vn/