Công nhận Đơn Dương là 'Huyện nông thôn mới'

Công nhận Đơn Dương là 'Huyện nông thôn mới'
Sáng 3/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là “Huyện nông thôn mới”.

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định:“Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: VGP/Thành Chung

Mặc dù là huyện miền núi nhưng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi nên Đơn Dương đã dựa vào thế mạnh này để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới sau hơn 4 năm triển khai.

Đảng bộ và chính quyền huyện đã rà soát lại quy hoạch, xây dựng dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn có ứng dụng khoa học công nghệ, gây dựng những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã chuyển 2.000 ha các loại cây hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng tổng diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao lên tới 73% diện tích đất canh tác. Nông dân cũng tổ chức 25 hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, cơ bản cung ứng được dịch vụ đầu vào và thu mua nông sản.

Đặc biệt, huyện Đơn Dương là huyện có 3/8 xã đặc biệt khó khăn. Mặc dù tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30% dân số, nhưng giá trị sản xuất bình quân toàn huyện đạt trên 150 triệu đồng/ha. Huyện có mô hình trồng rau, hoa cho giá trị trên 500 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 1,3%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 3%. Tất cả các chỉ tiêu này đều tốt hơn so với mức bình quân chung khu vực nông thôn trong tỉnh, vùng và cả nước.

Hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng đạt các tiêu chuẩn quốc gia, kết nối các vùng sản xuất trên địa bàn với các khu vực khác trong tỉnh.

Toàn huyện có 8 xã thì 7 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Riêng xã Pró chưa hoàn thành nhưng cũng đã đạt được 17 tiêu chí và dự kiến hoàn thành nông thôn mới sau 2 năm nữa.

Kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân không chỉ thể hiện ở Đơn Dương mà còn ở toàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, Lâm Đồng đã có trên 21% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến cuối năm 2015 dự kiến có trên 37% số xã đạt chuẩn (trong khi chỉ tiêu chung của cả nước là 20%).

Giá trị sản xuất bình quân của tỉnh đạt trên 140 triệu đồng/ha, cao gấp gần 2 lần mức bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 45 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều mức chung của cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn dưới 2% trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số dưới 6%.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới Đơn Dương. Ảnh: VGP/Thành Chung

Biểu dương kết quả đạt được của huyện Đơn Dương nói riêng và tỉnh Lâm Đồng trong xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị địa phương tổng kết bài học kinh nghiệm để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực và các giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Tỉnh Lâm Đồng triển khai hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, lợi thế. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết giữa hộ nông dân với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu; quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương quan tâm chỉ đạo toàn diện đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn nhằm nâng cao chất lượng bền vững của nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thực cho người dân. Tập trung làm tốt công tác giảm nghèo nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để người dân chủ động tham gia, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

*Cũng trong dịp này, tỉnh Lâm Đồng phát động phong trào thi đua "Lâm Đồng chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới".

Theo Thành Chung/baochinhphu.vn