Công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả thiết thực cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM

Trong những năm qua, chính quyền thành phố và các cấp các ngành luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới.
 
 Lớp dậy nghề kỹ thuật sửa chữa ô tô
Sau hơn 4 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015, Trung tâm Dạy nghề thành phố Lào Cai đã mở hàng trăm lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng, sắp xếp tái định cư, người lao động là dân tộc thiểu số.
Tại thôn Cầu Sum xã Vạn Hòa thành phố Lào Cai, Trung tâm dạy nghề thành phố phối hợp với Trung tâm thủy sản Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai trực tiếp truyền đạt kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình cho 30 học viên là những hộ nông dân tại thôn . Bà con trong thôn được học lý thuyết đi đôi với thực hành tại các mô hình nuôi trồng thủy sản của các gia đình , được “Cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi cụ thể, giúp cho người học tiếp cận nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào chăn nuôi, người học được tham quan, trao đổi kinh nghiệm bổ trợ kiến thức cho các bài giảng trên lớp.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, Trung tâm đã tuyển sinh và mở 12 lớp sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho 339 học viên, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp chứng chỉ cho 4 lớp gồm chế biến thực phẩm, kinh doanh thương mại, kỹ thuật xây dựng. Tổ chức tuyên truyền tư vấn học nghề cho 1063 lượt lao động, trong đó giới thiệu 99 Công ty, doanh nghiệp và các hộ cá thể về nhu cầu tuyển dụng lao động tạo việc làm sau đào tạo nghề cho 638 lao động. Qua khảo sát số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt trên 70 %.

 
 Lớp dậy nghề cắt may công nghiệp
Qua thực tế cho thấy ở thành phố Lào Cai, lĩnh vực dạy nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, có tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo cao hơn so với những nghề khác. Bởi người học nghề sau khi học đã áp dụng được những kỹ năng và kiến thức vào thực tế các mô hình sản xuất, kinh doanh sẵn có của gia đình như: Mô hình trồng rau màu an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, mở cửa hàng hoặc liên kết mở dịch vụ sửa chữa ô tô xe máy, cơ khí, điện dân dụng, cắt may, mộc dân dụng, chế biến thực phẩm, kinh doanh thương mại… Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Biên, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề thành phố cho rằng: Đào tạo nghề tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song còn tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo được tiếp nhận, làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn thấp, không ổn định là do tâm lý người lao động không muốn làm việc xa gia đình, ý thức chấp hành kỷ luật lao động còn kém, nhất là lao động vùng cao, dân tộc thiểu số và rào cản lớn nhất là chưa coi học nghề là một yếu tố cần thiết để đảm bảo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Trung tâm dạy nghề thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, trú trọng tới các đối tượng là nhân dân ở vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng, nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới trên cơ sở liên kết đào tạo với các trường, trung tâm nghiên cứu có uy tín, chất lượng của trung ương và địa phương đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang cần, còn thiếu. Có như vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thành phố Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo mới thực sự hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, cơ cấu lao động, thu nhập và hình thức sản xuất trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới./.

Theo: laocai.gov.vn