Công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi góp phần quan trọng duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp
- Thứ hai - 24/06/2019 05:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020” tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg.
Gần 10 năm qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, thành lập Ban Chỉ đạo, phối hợp ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, phê duyệt 75 dự án thành phần… Bộ Công Thương đã phê duyệt 5 dự án. Tại các tỉnh, TP cũng đã có 189 dự án được phê duyệt thực hiện từ năm 2011 – 2020.
Theo Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), kết quả trong giai đoạn 2010 – 2018, gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ được đưa vào sản xuất. Tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật (hoặc tương đương) trong sản xuất một số giống cây trồng, vật nuôi đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra (70%). Ví dụ như: Ngô đạt 95%; sắn đạt 75%; cao su, chè, chuối, nhãn, vải, thanh long đạt 100%; cây giống lâm nghiệp đạt 80%... Nhờ đó, năng suất nhiều cây trồng vật nuôi tăng vượt mục tiêu Đề án (15%). Điển hình là: Cam tăng 25%, nhãn tăng 26%, lợn tăng 32%, tôm nước lợ tăng 82%...
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam nằm ở vị trí địa lý bất thuận cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Có được mức tăng trưởng khá tốt thời gian, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là nhờ 3 nhóm nguyên nhân trụ cột. Thứ nhất, Việt Nam đã tổ chức chỉ đạo thành công hệ thống thuỷ lợi đặc trưng. Tiếp đến là có hệ thống khuyến nông được tổ chức bài bản, khoa học. Nhưng quan trọng nhất là Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện khá thành công công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rừng, trong công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi hiện nay vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa khu vực Chính phủ và tư nhân. Sự chuyển hướng theo xu hướng thị trường trong lĩnh vực sản xuất giống vẫn còn thiếu độ nhạy bén. Cụ thể, rau củ quả có nhu cầu lớn, nhưng kết quả giống chưa tương xứng. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội chưa được coi trọng phát triển, trở thành nhân tố quyết định. Đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi chưa đến tầm, chưa tạo được đột phá trong một số nhóm ngành hàng như lâm nghiệp, thuỷ sản… Hội nhập nhưng tính chủ động, tính hiệu quả, tính chuyển giao chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Trong bối cảnh thị trường thay đổi hiện nay, nếu cứ giữ phương thức sản xuất cũ thì sẽ không thể đáp ứng mục tiêu tiêu tăng trưởng. Đối với nhiệm vụ này, công tác giống phải đi trước một bước. Đối với công tác phát triển giống, cũng cần thay đổi định hướng nghiên cứu, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày một phức tạp hiện nay. Trong đó, cần chú trọng vai trò của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp.
HNN (mard.gov.vn)