Công tác quản lý nợ: Nhiều cải cách lớn trong năm 2019
- Thứ năm - 19/12/2019 04:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai chương trình công tác năm 2020” của Cục QLN&TCĐN có sự tham dự và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính như Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Đầu tư, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Kho bạc Nhà nước… cùng toàn thể các cán bộ công chức, viên chức của Cục QLN&TCĐN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị
Cải cách để nâng cao hiệu quả công việc
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, ngay từ cuối năm 2018 Cục QLN&TCĐT đã cụ thể hóa các định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 thành nhiệm vụ cụ thể, từ đó ban hành Quyết định số 96/QĐ-QLN ngày 12/12/2018 về chương trình công tác năm 2019 của Cục QLN&TCĐN với 402 đầu việc trên toàn bộ các mặt công tác, gắn với từng đơn vị, cá nhân với tiến độ và kết quả hoàn thành cụ thể.
Đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2019, ông Hoàng Hải cho biết, các mặt công tác của năm 2019 đã được Cục QLN&TCĐN thực hiện hiệu quả. Đáng chú ý, trong năm 2019, Cục QLN&TCĐT đã có nhiều cải cách lớn trong các chương trình như: chương trình công tác với Worldbank, chương trình đào tạo, chương trình ứng dụng CNTT và bộ máy tổ chức. Theo đó, Cục QLN&TCĐN đã chủ động trao đổi với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Khung cải cách quản lý nợ công với lộ trình hoạt động hướng đến trung hạn (2025) và đích dài hạn hơn (2030), với mục tiêu phấn đấu công tác quản lý nợ công tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Cục QLN&TCĐN đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo với các đối tác như IMF, WB, ADB, AFD và triển khai theo các nhóm đối tượng cán bộ, bao gồm đào tạo đại trà cũng như đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề. Hình thức đào tạo khá đa dạng, từ tổ chức tập huấn, tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đến các buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến kết quả nghiên cứu một số đề tài xuất sắc hoặc vấn đề mới được nhiều người quan tâm.
Toàn cảnh hội nghị
Một cải cách lớn trong năm 2019 tạo nên bước thay đổi lớn trong cơ chế chế vận hành của Cục QLN&TCĐN đó là công tác sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các tuyến nghiệp vụ. Việc sắp xếp được thực hiện theo hướng thống nhất đầu mối từ khâu quản lý, bộ máy gọn nhẹ, rõ nhiệm vụ giữa các khâu nhằm đảm bảo sự phối hợp và giám sát chéo từng khâu, từng công đoạn quản lý. Cục QLN&TCĐN đã có các bước chuẩn bị trong từng giai đoạn và chỉ đạo sát sao để việc thay đổi cơ cấu tổ chức các phòng ban, cán bộ trong Cục không gây ra gián đoạn trong nghiệp vụ. Từ ngày 15/9/2019, Bộ máy tổ chức mới đã chính thức triển khai.
Cùng với vấn đề tổ chức bộ máy và con người, trong năm 2019, công tác ứng dụng công nghệ thông tin cũng được Cục QLN&TCĐN hết sức quan tâm và coi đây là một trong các phương thức cải thiện rõ rệt chất lượng quản lý nợ công và thủ tục hành chính liên quan đến vay, trả nợ. Cục đã cùng với Cục Tin học và Thống kê Tài chính nghiên cứu, xây dựng một chương trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công với mục tiêu đến 2025 sẽ ứng dụng CNTT trên 60% nghiệp vụ chuyên môn của Cục, đến 2030 tỷ lệ này phải đạt trên 80%.
Sát sao trong công tác quản lý nợ công và tài chính đối ngoại
Nhìn lại công tác quản lý nợ công, ông Hoàng Hải cho biết, năm 2019 Cục QLN&TCĐN đã tiếp tục tổ chức triển khai luật Quản lý nợ công. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Bộ Tài chính thực hiện công tác kế toán nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công mới. Cục đã chỉ đạo việc xây dựng các quy trình nội bộ; ban hành Quyết định về danh mục mã khoản vay, mã nhà tài trợ để hoàn thiện bộ mã tổ hợp tài khoản áp dụng cho kế toán nợ công; triển khai công tác xây dựng số dư đầu kỳ cho kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ; cập nhật số phát sinh 2019, tiến hành lập hệ thống chứng từ kế toán, hệ thống sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính; xây dựng nguyên tắc thiết lập số dư đầu kỳ, bổ sung một số nội dung hạch toán…
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết năm 2019, Cục đã có nhiều cải cách lớn
Để nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ quản lý nợ trong công tác quản lý nợ công, ngay từ đầu năm 2019, lãnh đạo Cục QLN&TCĐN đã đạo sát sao việc xây dựng các công cụ quản lý nợ như: Phối hợp với WB, IMF gắn kết công cụ MTDS với DSA tạo thành bộ công cụ hoàn chỉnh phù hợp với vối cảnh quản lý nợ của Việt Nam; phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước sử dụng bộ công cụ trên trong việc xây dựng chiến lược ngân sách - nợ 2021-2030; chuẩn bị hồ sơ, xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2020… Đây là bộ các công cụ dự kiến sẽ hỗ trợ cho Cục trong việc cải thiện công tác quản lý nợ theo hướng chủ động cải cách và đón đầu.
Đánh giá về công tác huy động vốn, ông Hoàng Hải cho biết, trong năm 2019, Cục QLN&TCĐN đã chủ trì đàm phán 35 Hiệp đinh khung và Hiệp định vay cụ thể, thực hiện ký kết 10 Hiệp định với tổng trị giá là 653,8 triệu USD. Trong công tác đàm phán với các Nhà tài trợ, Cục QLN&TCĐN luôn cố gắng để đạt được các điều kiện vay tốt nhất cho Việt Nam (kiên quyết không vay các khoản vay có lãi suất cao, giảm chi phí vay thông qua việc huy động các khoản viện trợ không hoàn lại đi kèm khoản vay để tăng thành tố ưu đãi); giảm các điều kiện vay ràng buộc...
Đối với công tác quản lý giải ngân vốn ODA, trong bối cảnh tiến độ giải ngân năm 2019 thấp hơn so với các năm trước, Cục QLN&TCĐN đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân như: Tổ chức chuỗi các Hội nghị về thúc đẩy giải ngân như tọa đàm với 6 ngân hàng phát triển, hội nghị trực tuyến với sự tham gia của toàn bộ các cơ quan trung ương, các địa phương, đại diện Chủ dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi; xây dựng và chính thức đưa vào vận hành ứng dụng phần mềm quản lý đơn rút vốn từ ngày 01/10/2019, góp phần chuẩn hóa và hệ thống hóa toàn bộ quy trình xử lý đơn rút vốn từ theo dõi công văn đề nghị rút vốn đến lập và trình duyệt đơn rút vốn; ap dụng phương thức Báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài trên trang điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, bắt đầu từ kỳ 15/10/2019... Công tác trả nợ nước ngoài được Cục QLN&TCĐN thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế đến ngày 10/12/201), trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng (trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 29.103 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 20.076 tỷ đồng) đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019…
Về công tác tài chính đối ngoại, năm 2019, lãnh đạo Cục cũng chỉ đạo và trực tiếp tham gia các đợt làm việc, trao đổi và chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế để nâng cao tuyên truyền, cập nhật thông tin về tình hình nợ công của Việt Nam, góp phần giúp các đối tác phát triển và cộng đồng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có những nhận định sát với tình hình thực tế, theo hướng tính cực về tính bền vững nợ công của Việt Nam. Đồng thời Cục QLN&TCĐN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tài liệu, tổ chức làm việc cho các đợt đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia của đạt kết quả tốt; kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia và kịp thời trao đổi thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về việc cải thiện hệ số tín nhiệm trong năm 2019.
Tiếp tục phát huy tinh thần hết mình để hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà biểu dương những kết quả mà Cục QLN&TCĐN đã đạt được trong năm 2019, nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công. Thứ trưởng cho rằng, trong hơn một năm vừa qua, công tác triển khai Luật Quản lý nợ công có rất nhiều việc phải làm nhưng Cục QLN&TCĐT đã nỗ lực, cố gắng và đạt được mục đích quan trọng là đưa Luật dần đi vào cuộc sống. “Cũng như việc trồng cây sẽ đến ngày hái quả. Kết quả mà Cục QLN&TCĐN đạt được đó là những thành quả, những công lao đóng góp của toàn thể cán bộ Cục đã thực hiện trong suốt thời gian vừa qua”- Thứ trưởng khẳng định.
Ghi nhận về kết quả trong công tác quản lý nợ công, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, Cục QLN&TCĐN đã rất tích cực trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, cho Chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ để quản lý nợ công bền vững. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2018 đã giảm, tới năm 2019 giảm thêm một bước nữa, từ đó tạo ra sự bền vững trong hệ thống tài chính. Đây là một điểm sáng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2019.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao những sáng kiến, cải tiến của Cục QLN&TCĐN trong các mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với các nhà tài trợ cũng như mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành khác trong vấn đề quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng ghi nhận những cải cách của Cục QLN&TCĐN trong năm vừa qua trong công tác với các nhà tài trợ, công tác quản lý nội bộ….
Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Trương Hùng Long khẳng định tập thể Cục QLN&TCĐN
sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Về nhiệm vụ của năm 2020, Thứ trưởng cho rằng, đây là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và bước sang một thập niên mới. Để góp phần thực hiện mục tiêu, chủ trương, giải pháp về quản lý nợ công theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị trong năm 2020, Cục QLN&TCĐN cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2019. Trong đó, Thứ trưởng l ưu ý, Cục cần xem xét kỹ các nội dung liên quan tới chương trình quản lý nợ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn tới năm 2030; đưa ra chương trình công tác chi tiết trong các công tác đàm phán, kí kết các hiệp định, thảo thuận vay nước ngoài…; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh việc giải ngân vốn, kể cả vốn cấp phát và vốn cho vay lại; đồng thời đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ để nâng cao chất lượng quản lý nợ công và thủ tục hành chính liên quan đến vay, trả nợ…
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Trương Hùng Long tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Xuân Hà. Ông Long cho rằng, lĩnh vực quản lý nợ công đang trong quá trình cải cách và còn nhiều điều cần cố gắng. Vì vậy, tập thể Cục QLN&TCĐN sẽ tiếp tục phấn đấu hết mình để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính giao.