Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới: Hướng đến chủ thể là người dân
- Thứ sáu - 01/03/2013 03:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Văn Việt nhớ lại, khó khăn lớn nhất khi bắt tay xây dựng NTM là đại bộ phận người dân và cán bộ xã, thôn chưa hiểu rõ làm NTM phải bắt đầu từ đâu, làm việc gì trước, việc gì sau; công việc nào của chính quyền, công việc nào của người dân ra sao… Tây Tựu lại là xã dân số đông, với 21.000 người, đủ các tầng lớp khác nhau, trong đó phần lớn là nông dân trồng hoa. Vấn đề duy nhất lãnh đạo xã nhận thức được là xây dựng NTM rất cần thiết, nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Để cụ thể hóa chủ trương này, chính quyền xã Tây Tựu đã xác định công tác tuyên truyền phải làm trước để nhân dân hiểu và thống nhất ý chí hành động. Vì vậy, trong ba năm, Tây Tựu đã tổ chức 16 hội nghị chuyên đề, 30 hội nghị lồng ghép, phát thanh 3 buổi/tuần tuyên truyền chủ trương, chính sách, đề án, vận động nhân dân thi đua xây dựng NTM. Ngoài ra, xã tổ chức tuyên truyền trực quan bằng pa nô, áp phích, khẩu hiệu trên các trục đường, các địa điểm công cộng…
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, cái được lớn nhất trong công tác tuyên truyền ở Tây Tựu là nhận thức xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua việc làm cụ thể của người dân, gia đình và thôn, xóm đã mang tính cộng đồng cao. Đến nay Tây Tựu đã hoàn thành xây dựng NTM văn minh với các hoạt động được duy trì như tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy, xóa được hủ tục ăn uống linh đình trong đám tang, an ninh trật tự được bảo đảm… Đặc biệt, người dân Tây Tựu tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng lắp đèn đường ở gần 100 trục đường xóm, ngõ với tổng chiều dài gần 12km; đóng góp 4 tỷ đồng xây dựng công trình văn hóa, đường giao thông…
Những ngày đầu năm mới Quý Tỵ, người dân xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) rất phấn khởi khi họ đang được thụ hưởng những thành quả sau ba năm xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Bình, người dân xã Mai Đình, chia sẻ: "Từ chỗ chỉ đạt một tiêu chí an ninh trật tự được giữ vững, đến nay xã đã có 18/19 tiêu chí hoàn thành. Qua ba năm phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, mọi người ai cũng phấn khởi".
Bí thư Đảng ủy xã Mai Đình Đào Văn Kiêm cho biết, trong quá trình xây dựng đề án NTM, xã đã tổ chức 28 cuộc họp dân ở các thôn với 7.000 lượt người tham gia. Khi hoàn thành đề án, xã tiếp tục tổ chức 19 buổi họp, sinh hoạt chuyên đề triển khai, quán triệt và tháo gỡ những vướng mắc khi người dân có kiến nghị. Nhờ vậy, hàng nghìn người dân xã Mai Đình đã nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng NTM. Kết quả rõ rệt nhất là nhân dân hưởng ứng tích cực vào phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Nhiều vấn đề khó như dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường… được tháo gỡ. Toàn xã đã có 300 hộ hiến 7.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn; tự nguyện đóng góp 40 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, công tác tuyên truyền NTM là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng NTM đã được các địa phương, đơn vị tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hướng đến từng người dân. Điển hình là 100% các xã của các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đan Phượng, Đông Anh tổ chức phát động với 100% các thôn, xóm tham gia ký kết xây dựng NTM. Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả như tổ chức các hội thi "Xây dựng NTM- trách nhiệm của thanh niên"; "Nhà nông đua tài và chung sức xây dựng NTM"… tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng chục nghìn người; biên soạn tài liệu "Hỏi đáp về xây dựng NTM"; tổ chức tuyên truyền lưu động, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục… Thông qua việc tuyên truyền, phát động, Hà Nội quyết tâm đến năm 2015 có 205/401 xã đạt chuẩn NTM, trong đó nhiều huyện quyết tâm cao như Từ Liêm đăng ký 100% số xã, Thanh Trì 80%, Gia Lâm 65%...
Ông Hoàng Thanh Vân cho biết thêm, công tác tuyên truyền NTM trong thời gian tới sẽ bám sát các nội dung dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, tăng cường đầu tư cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh…
Theo hanoimoi.com.vn