Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CNSHTT) là chương trình đầu tư có ý nghĩa thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: Đầu tư nhiều, hiệu quả ít
Mỗi một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng hoàn chỉnh phải mất hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế tại tỉnh Gia Lai cho thấy đã có hàng trăm công trình cấp nước tập trung đang nằm trong tình trạng bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả...gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách.
 
Theo số liệu thống kê, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 246 tỷ đồng xây dựng trên 1.743 công trình cấp nước để cung cấp nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho hàng ngàn hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn làng. Trong số đó, có gần 137 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 115 tỷ đồng; hơn 1.600 công trình còn lại do các địa phương làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng hiện chỉ có khoảng 55% số công trình hoạt động đạt hiệu quả còn lại hoạt động kém hiệu quả do xuống cấp trầm trọng, nhiều công trình không thể sử dụng được hoặc vừa xây dựng xong "đắp chiếu” gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách...
 
Năm 1995, công trình nước tự chảy ở làng Nú, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa có vốn đầu tư xây dựng gần 500 triệu đồng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ gia đình. Song công trình này chỉ hoạt động được gần 4 năm, thời gian còn lại bị bỏ hoang giữa rừng.  
 
Ông Đinh Ơng - Chủ tịch xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa xót xa cho biết: Toàn xã có 5 công trình CNSHTT được đầu tư xây dựng nhưng đều ngừng hoạt động đã nhiều năm nay. Nguyên nhân do tụt mạch nước ngầm, hư hỏng máy bơm, bể đường ống... UBND xã đã nhiều lần đề nghị UBND huyện và các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, đưa công trình hoạt động trở lại cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm sửa chữa.  
 
Còn tại huyện Krông Pa, nơi có đến 60 hệ thống cấp nước sinh hoạt bằng giếng khoan, 149 giếng đào. Tổng số vốn đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện là hơn 150 tỷ đồng. Tại xã Chư Ngọc có 4 công trình, tổng số vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng nhưng chỉ có 25 hộ dân được sử dụng nước từ các công trình này; xã Chư Gu có 8 công trình thì chỉ có 2 công trình hoạt động.
 
 Bên cạnh những công trình CNSHNT hoạt động kém hiệu quả và đang xuống cấp thì khá nhiều công trình mới xây xong… chỉ để "đắp chiếu”. Điển hình như công trình nước sạch của làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (kinh phí xây dựng hơn 400 triệu đồng) được đưa vào sử dụng năm 2002, hoạt động chưa đầy một năm đã hư hỏng không thể sử dụng được.
 
Ông R.Châm Hlưng, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh nói, lúc thi công công trình này tôi đang là thôn trưởng. Khi đó tôi phát hiện thấy công trình có nhiều điểm không hợp lý trong thiết kế, xây dựng. Cụ thể khu vực này bùn lầy, cần phải xây móng sâu ít nhất hơn 1m nhưng trong thiết kế chỉ xây dựng hơn 40 cm nên tôi không ký vào biên bản nghiệm thu công trình này. 
 
Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư nhất là người dân vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai cần sớm có biện pháp hữu hiệu hơn trong công tác khảo sát, quản lý và sử dụng các công trình nước sạch trên địa bàn.
 
Phạm Hưởng
theo 
daidoanket