Corona tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản
- Thứ hai - 03/02/2020 07:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất khẩu thanh long đang gặp khó khăn vì khó xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn, v.v... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.
Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch do virus Corona gây ra được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2/2/2020, theo cập nhật có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn).
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.
Đối với xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2019 vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 đã tăng 36,2% so với tháng 11/2019, trong đó một số sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh như tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%. Nhìn chung xu hướng xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng tăng lên, tuy nhiên trong quý I/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Cũng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản. Việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với: Hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ; ảnh hưởng đến công tác thu xếp, bố trí của Bộ NN&PTNT đối với 3 đoàn công tác quan trọng của chuyên gia Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam (dự kiến trong tháng 3/2020) khảo sát thực tế, làm việc trao đổi với phía Việt Nam để hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu bột cá, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu.
Mặc dù thời gian qua, ngành chế biến nông sản của Việt Nam phát triển vượt bậc nhưng năng lực chế biến sâu của một số ngành hàng nông lâm thuỷ sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời việc tập trung thu mua chế biến các sản phẩm nông sản trong nước hiện nay.
Đứng trước các khó khăn này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các phương án ứng phó. Trước mắt là thực hiện nghiêm túc công văn số 79-CV/TƯ ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020; Công điện số 121/CĐ-CP ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Viêm phổi cấp; Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 về việc công bố dịch; tiếp tục cập nhật, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch Viêm phổi cấp.
Cùng với đó Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y: phối hợp với các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành đã chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường: Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ 22/2; Đoàn công tác do Bộ trưởng dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Brazil trong tháng 3/2020; Tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản (tháng 3/2020); Liên bang Nga (tháng 6/2020); Australia và New Zealand (tháng 7/2020); Hàn Quốc (tháng 8/2020); châu Âu (quý II/2020); Indonesia, Myanma (quý III/2020)…
Thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam tđể tháo gỡ khó khăn; Tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường.
Nếu bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn