Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn toàn cầu
- Thứ năm - 19/03/2020 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2019 đàn lợn của thế giới đã giảm 14,6% so với năm 2018, xuống gần 1,1 tỉ con; số lợn tại Trung Quốc giảm tới 28,5%, xuống còn 490 triệu con. Tại EU, đàn lợn cũng giảm nhẹ 0,2%, xuống còn 226,5 triệu con trong năm 2019.
Chỉ có một số nước như Mỹ, Brazil, Canada, Hàn Quốc, Mexico, Nhật Bản thông báo sản lượng đàn lợn tăng từ 1,5 - 4,5% so với năm 2018, còn các quốc gia nuôi lợn khác ghi nhận số lượng lợn giảm gần 20% xuống 51 triệu con. Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2019 ước đạt 106 triệu tấn, giảm hơn 6% so với năm 2018.
Ngân hàng Rabobank vừa đưa ra dự báo nguồn cung thịt lợn toàn cầu tiếp tục giảm tới 10% trong năm 2020. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng bởi Covid-19.
Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm hơn 20% trong năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi (ASF). Năm 2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ khiến thị trường thịt nước này biến động mạnh. Rabobank dự báo, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm thêm 15-20% trong năm nay.
Dịch Covid-19 đang là yếu tố hàng đầu làm trì hoãn việc tái đàn ở Trung Quốc. Theo dự báo của Rabobank, năm 2020 và 2021 Trung Quốc sẽ tái đàn qui mô nhỏ và nhập khẩu qui mô lớn.
Thực trạng này có thể kéo dài tới năm 2025, là thời điểm cung – cầu cân bằng trở lại và giá ổn định. Thậm chí, kể cả tới năm 2025, tổng đàn lợn của Trung Quốc vẫn khó có thể đạt mức của năm 2018.
Thế nhưng, việc hạn chế đi lại do Covid-19 đang gây ra sự thiếu hụt nhân công và gây khó khăn cho các hoạt động vận chuyển gia súc. Các biện pháp phong tỏa trong thời gian qua tại Trung Quốc dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn chăn nuôi. Những điều này đang ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch tái đàn của Trung Quốc.
Không chỉ chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm ở Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Dự báo có thể phải tới 6 tháng cuối năm 2020, đàn lợn ở Trung Quốc mới bắt đầu từng bước phục hồi trở lại, vì đến thời điểm đó lượng nhân công và hoạt động vận chuyển gia súc mới trở lại bình thường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi lợn ở những quốc gia, vùng lãnh thổ có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi lợn và đã được cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Trung Quốc. Thịt lợn từ các cơ sở ấy sẽ được xuất khẩu trở lại vào Trung Quốc.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 67% trong năm nay, để bù cho nguồn cung thiếu hụt trong năm 2019.
Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn, mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào giữa tháng 1 năm nay.
Thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giúp tăng xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc, nhưng diễn biến trong dài hạn vẫn chưa rõ ràng và tạo ra sự không chắc chắn cho thị trường.
Trong khi đó, dịch ASF vẫn ảnh hưởng tới triển vọng ngành chăn nuôi tại khu vực châu Âu. ASF hiện đã lan ra ngoài biên giới phía đông Ba Lan và Đức.
Mặc dù triển vọng năm 2020 lạc quan hơn so với năm 2019, nhưng dịch Covid-19 sẽ khiến các nhà sản xuất, thương nhân và nhà bán lẻ gặp khó khăn.
Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung như: Tăng trợ cấp để tái đàn, giải phóng kho dự trữ thịt lợn đông lạnh và tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Theo: Thanh Sơn/nongnghiep.vn