Củ Chi - Huyện nông thôn mới đầu tiên của TPHCM
- Thứ năm - 10/09/2015 04:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Đất thép” nở hoa
Thời chiến tranh (trước năm 1975) với hệ thống địa đạo nổi tiếng, Củ Chi mang danh “đất thép thành đồng”, đa phần là vùng đất bị hoang hóa. Ông Lê Minh Tấn, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nhớ lại thời kỳ đầu sau năm 1975, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện hầu như không có, lúa sản xuất nhờ nước trời nên chỉ làm 1 vụ/năm, năng suất thấp.
Sau chiến tranh, bà con trở về khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống, với khoảng 50.000 người đã có gần 70% là hộ thiếu đói từ 3 đến 6 tháng/năm. Năm 1986, Củ Chi bước vào thời kỳ mới. Từ việc xây dựng kênh Đông phục vụ trên 17.000ha đất bạc màu và thiếu nước, nhờ đó vùng “đất thép” hồi sinh, sản xuất nông nghiệp tăng lên 2 rồi 3 vụ/năm, không chỉ năng suất lúa tăng mà cây trồng cũng đa dạng... Cùng với thủy lợi, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, trong những năm 1995 - 2005 là tiền đề quan trọng cho việc phát triển của huyện về nhiều mặt. Giai đoạn 2006 đến nay, một cuộc “tái cơ cấu” theo hướng nông nghiệp đô thị đã được bà con Củ Chi thực hiện với những cây - con giá trị hơn như rau an toàn, bò sữa, cá cảnh hay hoa kiểng... Từ năm 2009, xã Tân Thông Hội của huyện Củ Chi là 1 trong 10 xã cả nước được Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng NTM (theo hướng nông nghiệp ven đô), tiếp sau đó là xã Thái Mỹ.
Nông dân nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG |
Giờ đây, với 65.000 con bò sữa, cung cấp 550 tấn sữa tươi/ngày, chiếm gần 2/3 tổng đàn bò TPHCM, Củ Chi là huyện có đàn bò sữa nhiều nhất cả nước. Củ Chi cũng là nơi tập trung nhiều trại cá với 242ha, trong đó riêng cá cảnh là 21,5ha. Nếu bò sữa, rau an toàn giúp người dân có cuộc sống ấm no, thì hoa kiểng là biểu tượng của cuộc sống sung túc. Diện tích hoa kiểng toàn huyện 587ha, trong đó hoa lan các loại 150ha. Diện mạo của Củ Chi thay đổi căn bản: Thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm (trước khi xây dựng NTM là 16 - 21 triệu đồng/người/năm), cao hơn tiêu chuẩn NTM quốc gia; không còn hộ đói, tiêu chí hộ nghèo dưới 16 triệu đồng/hộ/năm còn 3,7%, với đà này hy vọng cuối năm 2015 sẽ hoàn thành tiêu chí này. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Trung ương đã khảo sát và nhận định: Củ Chi là huyện đầu tiên của TPHCM đạt chuẩn NTM, góp phần đáng kể vào việc đưa TPHCM trở thành địa phương đầu tiên cả nước đạt chuẩn NTM tất cả các huyện ngoại thành. Có thể nói, vùng “đất thép” ngày nào đã thật sự “nở hoa”.
Cách làm sáng tạo
Xây dựng NTM chủ yếu phát huy nguồn lực từ dân, người dân thụ hưởng nên phải biết phát huy sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị. Có thể nói, Củ Chi đã có cách làm khá sáng tạo, với nhiều hình thức, giúp nâng cao nhận thức và sự đồng tình trong Đảng và sự đồng thuận của người dân. Quy hoạch phải đi trước trên cơ sở có đồ án quy hoạch chi tiết liên quan, từ đó hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo điều kiện để giao thương phát triển sản xuất. Việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch phải chặt chẽ, chú trọng ý kiến các lão nông, cán bộ am hiểu. Việc xây dựng NTM dựa vào lợi thế từng địa phương để triển khai những tiêu chí xét thấy có đủ điều kiện, như tiêu chí đào tạo nghề, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh trật tự...
Nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Văn Bu cho rằng, xây dựng NTM là quá trình lâu dài, mỗi giai đoạn có tiêu chí khác với mục tiêu là đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Lãnh đạo huyện nhận thấy, dù các tiêu chí đề xuất đều đạt, nhưng chưa phải là toàn diện, còn có tiêu chí cần khẳng định giải pháp thật sự vững chắc như về môi trường cảnh quan. Củ Chi tập trung phát triển bò sữa, nhưng lại phát sinh vấn đề môi trường. Phải làm sao xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước để không gây ô nhiễm.
Trước đó, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, khi đi khảo sát đã nhận định, TPHCM là địa phương có tiềm lực, nhưng phải nhìn nhận về sự chỉ đạo đúng, kịp thời của thành phố và huyện Củ Chi mới đạt kết quả này. Điều quan trọng là phải có kế hoạch cho thời gian tới để duy trì và nhất là nâng cao chất các tiêu chí. Nông thôn TPHCM là vùng ven đô, xây dựng NTM không phải theo hướng đô thị hóa mà phải giữ gìn cảnh quan nông thôn…
Theo: saigongiaiphong.org.vn