Cú đúp tăng giá xăng, điện: Lại lo giá cả “té nước theo mưa”

Cú đúp tăng giá xăng, điện: Lại lo giá cả “té nước theo mưa”
Xăng dầu và điện là hai mặt hàng thiết yếu của đời sống và sản xuất, kinh doanh đều tăng, dự báo sẽ tác động làm giá cả hàng hóa khác leo thang.

Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, thông tin tăng giá điện từ 16/3 vẫn còn nóng hổi thì từ 15h00 chiều qua, giá xăng lại được công bố tăng. Dư luận xã hội và giới chuyên gia lại lo giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dựa đó mà tăng theo.

Trên báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho rằng, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm. Do mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đầu ra, nếu giá có tăng cũng không nhiều (trừ khi mất mùa).


Xăng, điện tăng giá có thể kéo giá hàng hóa tiêu dùng tăng theo (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, theo TS Hồ, với giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng, tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua, tồn kho lại tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, TS Hồ dự báo.

Còn TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại việc tăng giá xăng dầu, điện, phí môi trường xăng dầu sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ, từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở… tăng theo và lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu trên báo Pháp luật TP HCM, cho rằng việc tăng giá điện, xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) do làm tăng chi phí đầu vào. Theo ông Lộc, các DN tiêu thụ điện, xăng dầu lớn như ngành thép, xi măng, chế biến thực phẩm, vận chuyển… thì việc tăng giá điện sẽ gây thiệt hại lớn.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu và điện là hai mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Vì vậy hai mặt hàng này tăng giá sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm, mặt bằng giá sẽ tăng kéo theo lạm phát tăng. Xét trên thực tế, giá xăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát ngay trong tháng 3, còn giá điện sẽ tác động từ tháng 4.

Do vậy để giải quyết tác động tăng giá của hai mặt hàng trên, ông Long đề xuất cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”.

Trước đó, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng 7,5% lên mức bình quân 1.622,05 đồng/kWh kể từ ngày 16/3 sắp tới. Với mức tăng này, việc điều chỉnh giá điện lần này được lý giải do nhiều mặt hàng ảnh hưởng đến giá điện như giá than tăng, giá khí, tỷ giá bình quân, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng...

Do đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc tăng giá điện nhằm đảm bảo EVN không bị lỗ và vẫn đảm bảo khả năng đạt tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5%.

Còn theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu được căn cứ thực tế diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm thế giới kể từ ngày 24/2/2015 đến hết ngày 10/3 và căn cứ nguyên tắc tính giá cơ sở theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC. Theo đó, từ 15h00 ngày 11/3, giá xăng tăng với mức cụ thể: Giá xăng A92 tăng lên mức 17.286 đồng/lít; Xăng E5 tăng lên 16.956 đồng/lít; Giá dầu diezen tăng lên mức là 15.883 đồng/lít; Dầu hoả cũng tăng lên mức 16.323 đồng/lít; Dầu madut tăng lên mức 12.761 đồng/kg.

Như vậy trong cùng thời điểm, hai mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất, kinh doanh đều tăng. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân./.

(Nguồn tin:VOV)