Cùng hành động bắt kịp 'con tàu' 4.0

Làm thế nào để các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng nhau bước trên "con tàu" cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)? Đã đến lúc các Chính phủ, lãnh đạo tập đoàn, công ty cần nhìn nhận về vai trò của người trẻ và đưa ra những chính sách thích hợp về giáo dục, sử dụng nhân tài, cũng như tạo môi trường để các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có thể tận dụng các cơ hội trong cuộc cách mạng này.
1Tại Diễn đàn mở của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) với chủ đề: "ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để DN khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc CMCN 4.0" ngày 11/9, ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, chia sẻ: Cuộc CMCN 4.0 không chỉ thay đổi các mô hình kinh doanh và cách thức cạnh tranh mà còn thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội.

"Trong tương lai, các nước thành công với 4.0 là những nước có thể tận dụng và nắm bắt ưu thế mà cuộc cách mạng này mang lại. Ngược lại, các quốc gia bỏ lỡ "chuyến tàu" CMCN 4.0 sẽ bị tụt hậu", ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

Giới trẻ dám làm điều khác biệt

CEO MBIC - bà Yasmin Mahmood, cho rằng CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng. Nếu trước đây, phải mất đến 25 năm để điện thoại đạt con số 100 triệu người sử dụng thì điện thoại thông minh chỉ mất có 16 năm để đạt được con số này. Thậm chí, game "Angry Birds" chỉ mất có 35 ngày để đạt được con số 50 triệu người dùng…

"Tốc độ phát triển công nghệ hiện nay đang diễn ra nhanh, làm thế nào để các quốc gia có thể sử dụng các yếu tố nội tại để trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này? Những người chiến thắng sẽ là những người nắm bắt được cơ hội. Vậy trong cuộc CMCN 4.0, các quốc gia cần phải chuẩn bị như thế nào?", bà Mahmood nêu vấn đề.

Theo các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 sẽ có những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn trước khi thu được những lợi ích trong dài hạn. Vì vậy, các Chính phủ cần có những chính sách thích hợp để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Trả lời câu hỏi về việc ASEAN đã thực sự đón nhận làn sóng của CMCN 4.0 hay chưa? Gs. Annie Koh, trường Đại học quản lý Singapore, cho rằng: "ASEAN đang rất sẵn sàng với CMCN 4.0. Hai năm trước, chúng ta nói nhiều về việc xây dựng bản sắc ASEAN và giờ đây chúng ta bàn về số hóa và công nghệ trong ASEAN".

Cụ thể, ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia, cho biết từ năm 2011, Chính phủ Malaysia đã tập trung tạo ra một hành lang số, nỗ lực tạo ra một Thung lũng Silicon và khuyến nghị thanh niên Malaysia chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0.

"Nhiều người trẻ hiện nay có năng lực rất tốt và đã đến lúc các Chính phủ, lãnh đạo của các tập đoàn, công ty cần nhìn nhận về vai trò của người trẻ và đưa ra những chính sách thích hợp về giáo dục, sử dụng nhân tài. Tương lai của cuộc CMCN 4.0 sẽ được định hình bởi những người trẻ", Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia cho biết.

doanh-nghiep-nho-va-vua-JPG-9839-1536686

Đồng tâm hành động hướng tới một ASEAN tự cường và sáng tạo trên "con tàu" CMCN 4.0

DNNVV có điều kiện phát triển

Mặt khác, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành Tổng công ty VNG Việt Nam, cho rằng: "Thế hệ trẻ ngày nay nên hình dung về tương lai 20 năm nữa. Đó chính là tương lai của các bạn. Các bạn hãy xây dựng một công ty hàng tỷ USD tại Việt Nam và châu Á. Đừng cho rằng những gì chúng ta đang tiếp nhận là bình thường. Đừng làm những điều bình thường, hãy làm những điều khác biệt".

Chia sẻ với hàng nghìn bạn trẻ tại hội nghị, ông Minh mong muốn: "Các bạn trẻ hãy kiên định với sở thích của mình, dám làm những điều mình hứng thú. Tôi hy vọng 20 năm nữa, WEF sẽ tìm tới các bạn để phỏng vấn về cách các bạn đã khởi nghiệp như thế nào".

Cùng với đó, để quốc gia làm chủ cuộc CMCN 4.0 không thể thiếu vai trò của DN nhỏ và vừa (DNNVV), ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ, chia sẻ tiềm năng của ASEAN ở vai trò và vị thế của các DNNVV. Các DN này đóng góp phần trăm rất lớn vào GDP của khu vực cũng như tạo việc làm cho người dân. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng của DNNVV là vô cùng quan trọng. Có thể nói DNNVV là "xương sống" của nền kinh tế ASEAN.

CMCN 4.0 là nói về kinh tế số. Nền kinh tế số của ASEAN dù đang bùng nổ nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ở ASEAN, tỷ trọng nền kinh tế số trong tổng GDP là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 16%, 5 nước đứng đầu EU là 20% và Mỹ là 23%.

Theo ông Rajan Anandan, cần đảm bảo ASEAN có một nền kinh tế số mang tính hội nhập cao để dòng chảy dữ liệu và hàng hóa được thông suốt. Và điều quan trọng nhất là đảm bảo con người làm chủ máy móc.

Đặc biệt, để ASEAN phát huy được hết các tiềm năng của kinh tế số, điều quan trọng không chỉ đảm bảo kỹ năng cho từng cá nhân mà còn phải trang bị kỹ năng cho các DNNVV, bộ phận chiếm 15% GDP và tạo ra 80% việc làm trong khu vực.

Để chuẩn bị CMCN 4.0, ông Klaus Schwab cũng cho rằng điều kiện đầu tiên để thành công là mỗi quốc gia phải nhận thức được điều gì đang diễn ra và điều gì là quan trọng.

Bên cạnh đó, phải tận dụng các nguồn lực bằng các chính sách, quan trọng nhất là tạo ra một xã hội mang đậm tinh thần doanh nhân, cởi mở với sự thay đổi.

"Nhiều người nói rằng cuộc cách mạng này cướp đi việc làm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy cơ hội từ nó bằng cách chuẩn bị đúng lúc để thích nghi và có những kỹ năng mới", ông Klaus Schwab chia sẻ.

Đối với Việt Nam, theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, cũng như các quốc gia trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định DN, trong đó có DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đồng thời cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế, đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc CMCN 4.0.

Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Ông Klaus Schwab - Nhà sáng lập và Chủ tịch WEF

CMCN 4.0 không chỉ đơn thuần về một công nghệ như các cuộc cách mạng trước đây, mà là về nhiều loại công nghệ khác nhau. Hơn nữa, cuộc cách mạng này còn có tốc độ phát triển rất nhanh. Vì vậy, điều cần làm trong dài hạn là đảm bảo con người luôn ở trung tâm của cuộc cách mạng, để con người không trở thành nô lệ của robot. Robot chỉ là công cụ phục vụ con người.

Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH&CN

Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035 và kịch bản CMCN 4.0 cho Việt Nam. Trong quá trình triển khai chiến lược và kế hoạch này, Việt Nam luôn muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các DN, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman - Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia

Để các quốc gia trong khu vực ASEAN có thể bắt nhịp cuộc CMCN 4.0, giới trẻ ở ASEAN cần suy nghĩ khác. Trong kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi nhanh chóng, người trẻ nên tránh khái niệm "thích ứng", bởi lẽ việc cố gắng để thích ứng với những biến đổi của thế giới sẽ chỉ làm cho họ bị đánh giá thấp hơn khi kinh nghiệm vẫn còn ít ỏi. Theo đó, giới trẻ cần có sự thay đổi trong tư duy, cần suy nghĩ khác đi và cần làm những việc vượt qua khuôn khổ bình thường để tìm thấy đam mê và hiện thực hóa đam mê của chính mình.