Cựu giáo viên giúp nông dân thỏa “giấc mơ sachi”
- Thứ năm - 07/06/2018 23:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những mũi tên đều trúng đích
Cũng như nhiều người từng tiếp xúc với nữ doanh nhân này, khá bất ngờ và thú vị khi biết chị từng là một một giáo viên cấp hai. Không hề được đào tạo bài bản về nông nghiệp, ngành dược, cũng chẳng có nhiều vốn liếng kinh doanh, chỉ có sự quyết tâm, táo bạo và tâm huyết là điều giúp chị thành công.
Với tâm huyết của mình, chị Lê Thị Vân đã cho ra đời nhiều sản phẩm quý từ cây sachi. Ảnh: N.T
"|Chúng tôi đang cần khoảng 500ha vùng nguyên liệu mới đủ chế biến, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu hiện nay, sau đó có kế hoạch mở rộng lên đến hàng nghìn ha. Công ty sẽ nâng cấp, đầu tư thêm dây chuyền chế biến và tiếp tục nghiên cứu để có thể cho ra đời 30 dòng sản phẩm từ cây sachi trong vòng 2 năm tới”. Chị Lê Thị Vân |
Chị Vân giới thiệu: “Loại cây này độc đáo lắm, đó là cây trồng đa tác dụng: Cây lâm nghiệp, nông nghiệp, cây dược liệu. Trên thế giới, sản phẩm chế biến từ cây sachi rất đa dạng: Hạt có thể ép làm tinh dầu dùng để sản xuất dầu ăn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; xay làm bánh hoặc ăn trực tiếp cũng rất ngon. Nhưng thú vị hơn cả, lá sachi còn được dùng làm trà, ngọn làm rau, quả non ăn sống...”.
Đó là một lần khi đi thăm vườn sachi, nhìn những chiếc lá xanh tươi, chị thầm nhủ, quả sachi có nhiều dinh dưỡng thì những bộ phận khác của cây cũng như vậy. Chị Vân mạnh dạn mang suy nghĩ của mình cùng một bó cây sachi tươi đến gặp PGS-TS Nguyễn Thị Trâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học (cũng là người nhiều năm nghiên cứu về loại cây này) nhờ bà phân tích. Một tuần sau, chị nhận được thông báo: Ngoài các thành phần dinh dưỡng như ở quả (tỉ lệ có thấp hơn), trong thân và lá sachi còn có hàm lượng canxi cao, có thể làm thức uống tốt cho sức khỏe.
Phấn khởi, chị Vân quyết định chế biến trà từ loại thực phẩm này. Với công thức khá đơn giản là sấy khô, nghiền nhỏ lá sachi, không cần thêm bất kỳ hương, phụ liệu như các loại trà khác, chị cho ra đời hai sản phẩm là trà túi lọc, bột trà hòa tan. Sau khi đem cho nhiều người cùng thưởng thức, chị Vân vỡ òa khi nhận được phản hồi về trà sachi có hương vị rất thơm ngon và đặc biệt là tính mát.
Đưa sản phẩm này ra thị trường, chị Vân nhận được tín hiệu rất tích cực, đem lại doanh thu và góp phần giải bài toán về vốn cho của công ty. Cũng từ đó, chị nhận thấy tiềm năng lớn để mở rộng diện tích trồng cây sachi ở Hòa Bình. Với mức đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha, sau 2 năm, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi sau năm thứ ba với mức thu ổn định 150 triệu đồng/ha/năm.
Nhân rộng “giấc mơ sachi”
Sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, chị Vân đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm ngay tại Hòa Bình. Hiện nay, Công ty Inca đã có các sản phẩm như dầu Omega 3, 6, 9, trà túi lọc giải độc, hạt rang sấy, hạt phủ Sô-cô-la. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ nhanh đến đó, công ty có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Sau hơn 3 năm thực hiện, các mục tiêu của chị Vân đều đang đi đúng hướng. Đến nay, vùng nguyên liệu của công ty đã được 100ha, với 50ha đang cho thu hoạch, tập trung ở các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và TP.Hòa Bình. Chị còn có ý định mở rộng vùng nguyên liệu sang các tỉnh khác, chú trọng liên kết với người nông dân cùng tham gia.
Người dân là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh thu nhập cải thiện, họ còn được sử dụng hàng ngày nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng từ sachi. Ngọn, lá non của cây sachi xào ăn ngon và bổ dưỡng. Với nguồn thực phẩm sạch này, bà con được tiếp cận các loại dinh dưỡng giá trị cao một cách thường xuyên.
“Công ty đã lên kế hoạch cấp phát cây sachi giống và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Trước mắt để người dân tiếp cận với mô hình này và sử dụng sachi làm món ăn hằng ngày. Sau đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ để họ phát triển, tăng thu nhập hướng tới thoát nghèo” - chị Vân chia sẻ.
Theo: Ngọc Tùng/danviet.vn