ĐBSCL: 'Cánh đồng lớn' đã lớn nhưng chưa mạnh
- Thứ tư - 07/09/2016 11:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Cánh đồng lớn” nhìn từ An Giang
Vụ thu đông năm nay, tỉnh An Giang có 35.000 ha tham gia cánh đồng liên kết phù hợp với tình hình năng lực thu mua của các DN. Trong đó, 22.000 ha diện tích sản xuất lúa giống dựa trên các tổ đội nhân giống hiện có nhằm phấn đấu trở thành tỉnh cung ứng giống mạnh nhất vùng ĐBSCL và cả nước nói chung. Số diện tích lúa còn lại khoảng 148.000 ha sẽ tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để nâng cao chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu truyền thống; tổ chức phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng sản xuất lúa - gạo, nghiên cứu, lai tạo và tuyển chọn giống lúa thơm Bảy Núi chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với vùng Tịnh Biên và Tri Tôn; nghiên cứu chọn tạo giống lúa phẩm chất tốt, có khả năng chịu ngập, chịu hạn và chống chịu sâu hại chính; nghiên cứu chọn tạo giống lúa nếp ngắn ngày, chất lượng tốt...
Kết quả bước đầu đã chọn được 5 dòng lúa nếp đạt mục tiêu, trong đó có 2 dòng lúa đặc sản, thơm có chất lượng cao, được nông dân ưa chuộng (TAG1 và TAG2)... góp phần làm đa dạng bộ giống lúa nếp có năng suất, chất lượng tốt, giải quyết vấn đề thoái hóa giống, phục vụ phát triển kinh doanh lúa giống trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, việc xã hội hóa công tác nhân giống cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển ngày một sâu rộng, có 31 cơ sở, DN và 187 tổ giống sản xuất giống xác nhận giống nguyên chủng/ diện tích 25.544 ha; cung cấp nguồn giống phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua giống sản xuất.
Với việc quy hoạch và mô hình liên kết này, người trồng lúa trong những cánh đồng lớn, cánh đồng hợp tác có lợi nhuận cao hơn những nông hộ bên ngoài.
Dẫu sao, “Cánh đồng mẫu lớn” vẫn là mô hình cần được khuyến khích nhân rộng và đầu tư. Khắc chế những khiếm khuyết, hoạch định tương lại sản xuất trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, xem người trồng lúa là một chuổi trong nền công nghiệp trồng lúa (chứ không phải nông nghiệp) thì cây lúa, hạt gạo Việt Nam mới có cơ hội đứng vững trên thị trường thế giới và người trồng lúa mới có cơ may làm giàu.
Cần những điều chỉnh hợp lý
Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Cánh đồng lớn” tại Cần Thơ đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia nông nghiệp đến lãnh đạo trong vùng. Các đại biểu đã chỉ ra điểm mạnh và những điểm yếu cốt tử của mô hình “Cánh đồng lớn” song, đều khẳng định đây là mô hình phù hợp để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam một cách khoa học và bền vững.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt - cho biết: Trước năm 2011, nhiều mô hình kỹ thuật canh tác theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cùng một số mô hình kỹ thuật có khuynh hướng cải thiện chất lượng như: “Cánh đồng một giống”, “Cánh đồng hiện đại”, “Cánh đồng lúa chất lượng cao” do một số tỉnh xây dựng. Đến sau năm 2011, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” bắt đầu xuất hiện ở ĐBSCL.
“Sau 5 năm triển khai, mô hình “Cánh đồng lớn” đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí của một phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ - nhận định.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, diện tích sản xuất “Cánh đồng lớn” năm 2011 từ 7.800 ha đã gần chạm ngưỡng 300.000 ha trong năm 2014 (chiếm gần 1/5 diện tích trồng lúa ở ĐBSCL). Mô hình “Cánh đồng lớn” đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân khi DN tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu.
Dù vậy, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” khi thu hoạch, lúa hàng hóa ứ đọng trong lúc nông dân thu hoạch rộ. Nhiều nơi nông dân phải để lúa ngoài đồng cả tuần. Mùa nắng nóng, lúa bốc hơi, giảm trọng lượng, nhưng DN lại đến mua với giá lúa tươi. Thực tế, quá trình liên kết bao tiêu lúa “Cánh đồng lớn” giữa DN và nông dân đang phát sinh “bẻ kèo”. Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, tại Ngã Năm (Sóc Trăng) có 4.000 ha được ký kết bao tiêu giữa DN và nông dân. “Do giá lúa tăng cao vượt giá hợp đồng từ 600 đến hơn 1.000 đồng/kg, tỷ lệ vỡ hợp đồng lên đến gần 50%. Nguyên nhân đổ vỡ là do quan hệ nông dân - DN mới xác lập, DN chưa đủ thời gian tiếp cận nông dân, DN chưa uyển chuyển trong việc điều chỉnh giá ở mức thỏa mãn tâm lý nông dân, việc tổ chức thu mua còn nhiều sơ sót, làm phiền hà nông dân”, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng - nhận định.
Để nông dân và doanh nghiệp hào hứng tham gia xây dựng cánh đồng lớn
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền.
Trước những áp lực của hội nhập, việc xây dựng các cánh đồng lớn để liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là sự đòi hỏi và hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp phát triển theo hướng thị trường hàng hóa. Cánh đồng lớn không mới ở Việt Nam (nhưng trước đây sản xuất theo cơ chế kinh tế kế hoạch ở các hợp tác xã nên không phát huy được lợi thế) càng không mới với các nước đã có nền nông nghiệp phát triển. Trước đòi hỏi của thị trường ngày càng khó tính và có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều nước sản xuất nông nghiệp đã được diễn ra theo hướng tập trung, chuyên canh, tiện lợi trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, thu hoạch, chế biến và cơ giới hóa để giảm chi phí làm tăng lợi nhuận.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh đã triển khai xây dựng các cánh đồng lớn và đã mang lại nhiều lợi ích. Dù nhiều người biết xây dựng cánh đồng lớn có rất nhiều lợi thế và là xu thế không thể khác của một nền nông nghiệp phát triển theo thị trường hàng hóa, nhưng cho đến nay chương trình này triển khai không như mong muốn và gần như chững lại. Chính điều này đặt ra cho các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách nhiều câu hỏi: Một nước nông nghiệp như Việt Nam, tương lai nông sản sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới khi mà nền nông nghiệp cứ tiếp tục nằm trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và rủi ro về thị trường còn rất lớn? Và điều gì đã làm cho nông dân và các doanh nghiệp không hào hứng tham gia xây dựng cánh đồng lớn?
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển cánh đồng lớn một cách bền vững trước hết phải giải quyết lợi ích hài hòa của các bên tham gia liên kết, có chính sách từ nhà nước, trong đó có quy chế quy định trách nhiệm rõ ràng của các thành phần, trong 4 nhà thì doanh nghiệp và nông dân là 2 chủ thể quan trọng, gắn kết với nhau bằng các thỏa thuận của hợp đồng, để hợp đồng có hiệu lực. Các doanh nghiệp rất ngại ký kết với các cá thể, do đó nông dân liên kết với nhau bằng mô hình hợp tác xã tự nguyện, hoặc thành lập các công ty cổ phần nông nghiệp, bầu ra ban điều hành mà trong đó nông dân chúng ta vừa là chủ vừa là người lao động làm ra sản phẩm, điều này tạo ra tính pháp lý để quá trình triển khai được dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các nhà khoa học cũng như sản xuất nông sản theo chuẩn VietGap, GlobalGap thuận lợi hơn rất nhiều, về phía nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về vốn, đặc biệt nghiên cứu gói ưu đãi cho nông nghiệp, chính sách về thị trường, lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt một cách cụ thể và rõ ràng để tạo niềm tin cho doanh nghiệp tham gia cùng nông dân.
Lê Quốc Phong
theo Báo Lao Động