DN đầu tư vào nông nghiệp: Thực tế và bất cập

Dù xuất khẩu nông sản vẫn là một bài toán khó nhưng nhiều chính sách gợi mở, ưu đãi trong nông nghiệp đã giúp thị trường giàu tiềm năng này đón nhận làn sóng đầu tư của các “đại gia” ngay trong nội địa.
Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, DN rất cần quỹ đất đủ lớn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Năm 2015 được đánh giá là năm có nhiều cơ hội mở cho nông sản Việt Nam khi một số Hiệp định thương mại tự do được thực thi. Các DN kinh doanh nông sản có thể dễ dàng mở rộng thị phần vào các thị trường rộng lớn của khu vực và quốc tế, được hưởng lợi từ việc giảm một số loại thuế, nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng sử dụng một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Do đó, để vượt qua thách thức và các rào cản thương mại, bản thân các DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chính điều này cũng đòi hỏi những tháo gỡ từ chính sách.

Sự chú ý của các DN lớn

Mới đây, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Công ty VinEco có số vốn điều lệ lên đến 2.000 tỷ đồng, được xác định xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, tiến tới việc đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.

VinEco cho biết sẽ triển khai các hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Có thể nói với thương hiệu "VinEnco", Vingroup không chỉ đứng ở vai trò “thương lái” như nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp từ trước.

Trước Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã “đón sóng” chính sách trong nông nghiệp. Từ năm 2008, Tập đoàn này đã sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô.

Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai công bố con số đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Riêng năm 2014, doanh thu từ bán mủ cao su và đường của Tập đoàn đạt gần 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu.

Cùng thời gian này, Ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam đã hợp tác trong nghiên cứu và trồng cây macca. Hoạt động này được cho là sự đầu tư tiên phong với loại cây trồng mới, giàu tiềm năng.

Hòa Phát, một “ông lớn” khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản, cũng vừa thông tin cho biết nông nghiệp là chiến lược đầu tư dài hạn của mình. DN sẽ ưu tiên nhân sự, tài chính cho ngành nghề kinh doanh mới này trong tương lai. Trước mắt, Hòa Phát chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến lô hàng thương mại đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6/2015, hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm...

Nói về xu hướng các DN tư nhân ngày càng “đổ” nhiều tiền vào nông nghiệp, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng nhận định đây là thành công của Chính phủ khi đã kêu gọi được các nhà đầu tư lớn. “Không có DN thì nông nghiệp, nông dân không phát triển được, vì muốn tiến dài thì đồng vốn là rất quan trọng”, chuyên gia nông học này nói.

Đồng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho hay ông rất mừng khi thấy các DN lớn đang dành sự quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, bởi trước lĩnh vực này thường bị cho là rủi ro và hiệu quả trước mắt không cao, trong khi có nhiều ngành khác sinh lợi lớn ngay từ ban đầu. “Nếu không có những DN lớn vào cuộc, ngành Nông nghiệp, nông dân còn phải bươn chải nhiều”, ông Ngọc cho biết.

Thiếu đất xây dựng trang trại lớn

Đây có thể coi là khó khăn lớn nhất cho các “đại gia” khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những “ông lớn” như Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Gemadept... phải sang tận Lào, Campuchia để thuê đất trồng cao su, mía.

TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhận định ở các tỉnh, vào các KCN thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm vùng nguyên liệu nông sản, trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì không đơn giản, vì rất khó kiếm được vài chục ha đất “sạch”.

Đại đa số các DN lớn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện nay đều hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Văn Bộ (nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra sự khác biệt. Vì thế Nhà nước nên có chính sách ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, tạo điều kiện để DN và nông dân liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân có thể giao đất cho DN bằng nhiều hình thức, khả thi nhất là góp quyền sử dụng đất vào DN, như vậy bà con có thể yên tâm về quyền sử dụng đất và DN cũng yên tâm để đầu tư lâu dài.

Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu để có chính sách về “gom” đất tập trung cho những vùng chuyên canh lớn. Riêng về việc xử lý diện tích đất của các nông lâm trường kém hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, sắp tới những diện tích đất dạng này sẽ giao lại cho chính quyền địa phương xử lý, trong đó sẽ dành một phần diện tích cho DN tư nhân thuê để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, cơ chế hỗ trợ cho DN đã có khi Nghị định 210 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành từ năm 2013. Thông tư hướng dẫn thanh toán, quyết toán các khoản hỗ trợ sẽ chính thức có hiệu lực từ 27/4/2015. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc triển khai các văn bản này cần thực hiện nhanh chóng và mỗi tỉnh cũng cần có chính sách đặc thù để áp dụng vào thực tế, tạo môi trường thuận lợi cho DN hoạt động và liên kết với nông dân.

Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn