Đà Nẵng: Nông dân truyền nghề cho nhau

Đà Nẵng: Nông dân truyền nghề cho nhau
Dạy nghề cho nông dân (ND) bằng hình thức ND dạy ND; học viên thành thục nghề, tự mở xưởng sản xuất rồi cũng chính họ lại trở thành thầy dạy nghề cho các ND khác. Cách làm này đang phát huy hiệu quả cao ở Đà Nẵng.

Căn lịch nông vụ để mở lớp

Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội ND TP.Đà Nẵng Hồ Đăng Ninh cho biết, Hội đã xác định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho ND mang tính chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

 

Da Nang: Nong dan truyen nghe cho nhau
Hội Nông dân thành phố hướng dẫn làm nấm và trồng hoa cây cảnh cho nông dân. Ảnh: Đ.B
Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, từ năm 2010 đến 2014, Hội ND TP.Đà Nẵng đã phối hợp với Sở LĐTBXH thành phố tổ chức 25 lớp dạy nghề cho gần 800 hội viên ND. Học viên học chủ yếu 2 nghề trồng nấm ăn và trồng hoa cây cảnh. Riêng năm 2015, Hội vừa tổ chức 5 lớp với trên 150 học viên, đồng loạt khai giảng trong tháng 6, bổ sung 2 nghề đào tạo mới- nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng, khai thác thủy sản. 

Ông Ninh cho biết thêm: Để tạo điều kiện tối đa cho học viên theo học tại các lớp nghề, Hội ND thành phố triển khai dạy nghề ngay tại địa bàn dân cư với hình thức “cầm tay chỉ việc”, lấy ND dạy ND và lựa chọn thời điểm thích hợp để mở lớp, chẳng hạn như nghề nấm tiến hành giảng dạy từ tháng 8 trở đi để nấm có điều kiện phát triển mạnh; nghề hoa cây cảnh vào những tháng cuối năm đúng với thời vụ sản xuất hoa tết. Chính hình thức dạy này đã thu hút đông đảo hội viên ND tham gia học nghề. Học viên sau khi được đào tạo nghề được Hội ND thành phố cấp giấy chứng nhận học nghề. Trong số 800 học viên đã học nghề có hơn 600 người đã tự tạo việc làm ngay tại gia đình, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.

Tạo ra chuỗi liên kết sản xuất

Từ những kiến thức được trang bị, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, xây dựng các trại nấm quy mô lớn dưới hình thức hợp tác xã (HTX), như HTX Nấm Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Nhiều hội viên học xong tổ chức sản xuất ngay tại nhà, như hộ ông Đinh Văn Hòa, phường An Khê (quận Thanh Khê) với số lượng 3.000-4.000 bịch nấm sò; gia đình bà Nguyễn Thị Bích Loan, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) với hơn 2.000 bịch nấm sò… Nhiều hộ gia đình không có đất vườn nhưng vẫn tận dụng khoảng diện tích trống trong nhà treo nhiều bịch nấm, hàng ngày cho thu nhập ổn định.

Đối với nghề trồng hoa, cây cảnh cũng vậy. Mặc dù đất sản xuất không nhiều nhưng các hội viên sau khi học nghề đã tận dụng đất ở những nơi bị thu hồi nhưng chưa sử dụng để sản xuất. Tiêu biểu như các hội viên Nguyễn Thành Chiến trồng 2.000 chậu hoa cây cảnh, Chu Thị Trung 1.500 chậu, Nguyễn Văn Quý 3.000 chậu…

Hiệu quả của mô hình sản xuất nấm, trồng hoa cây cảnh đã tạo nên sức lan tỏa trong các hộ dân. Nhiều hộ trước đây không theo học các lớp đào tạo nhưng cũng đã tìm tòi, học hỏi từ những hộ đang sản xuất và mạnh dạn tự tạo công ăn việc làm cho chính mình từ nghề sản xuất nấm và hoa cây cảnh. Từ các lớp học nghề, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm, hoa được thành lập tạo ra chuỗi liên kết sản xuất như HTX Kim Thanh, HTX Như Mai, HTX Nấm Hòa Tiến, HTX Hoa Hòa Liên... Ước tính mỗi ngày toàn thành phố sản xuất 3-5 tấn nấm các loại.

Những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong việc dạy nghề và học nghề rất nhiều, như ông Huỳnh Văn Mười, ông Mai Văn Hồng… Đây là những người từ học viên sau khi học nghề về vận động thành lập HTX và trở thành giám đốc HTX đồng thời trở thành giáo viên dạy lại cho ND, cũng là người tiêu thụ sản phẩm của ND làm ra.

Sau khi tổ chức cho hội viên học nghề, Hội ND TP. Đà Nẵng đã hướng dẫn cho hội viên tiếp tục tổ chức sản xuất, giải quyết cho các hộ có nhu cầu vay vốn vay Quỹ Hỗ trợ ND để sản xuất, tổ chức hội thảo liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm, vận động thành lập 20 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác, 23 chi hội nghề nghiệp.
Đăng Bình
Theo: danviet.vn