Đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng NTM
- Thứ hai - 29/05/2017 21:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cần chủ động hơn
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, trong giai đoạn 2010 - 2016, cả nước đã huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách Nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) 302.311 tỷ đồng (28,48%), tín dụng 576.643 tỷ đồng (54,31%), doanh nghiệp 55.740 tỷ đồng (5,25%), người dân và cộng đồng đóng góp 126.951 tỷ đồng (11,96%). Điểm tích cực nhất trong huy động vốn xây dựng NTM là cơ chế huy động khá linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong huy động nguồn lực. Nhiều địa phương có cơ chế riêng để khuyến khích doanh nghiệp đóng góp xây dựng NTM, người dân tự làm đường, vay vốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất… Phong trào cũng thay đổi nhận thức của người dân nông thôn từ chỗ thụ động, ỷ lại vào Nhà nước sang tích cực, chủ động, tự giác tham gia xây dựng nông thôn.
Tuy nhiên, xây dựng NTM trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp là thực tế chung của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các xã không thể hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ đề ra. Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, do kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình không đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM tại một số xã chậm hơn so với kế hoạch. Trong khi, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và tín dụng không hề đơn giản do các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa thật sự hấp dẫn. Nhiều địa phương phản ánh, một số cơ chế, chính sách thực hiện chương trình (huy động vốn, tổ chức bộ máy và quy định thực hiện một số tiêu chí...) chưa đồng bộ, chưa phù hợp với địa phương làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn.
Giải pháp tháo gỡ
Trao đổi tại cuộc Hội thảo “Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực trong xây dựng NTM” vừa qua, PGS.TS Quyền Đình Hà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc huy động nguồn lực tài chính từ nhân dân phải thực hiện từng bước, không nóng vội chạy theo thành tích để huy động cao trong thời gian ngắn, quá sức dân. Đồng thời, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực tài chính để tăng lòng tin của nhân dân, hằng năm sơ kết, đánh giá và có hình thức động viên khen thưởng cộng đồng các thôn/bản, cá nhân những người dân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Còn TS Nguyễn Thị Minh Phượng, Giảng viên Trường Đại học Vinh đánh giá, để huy động vốn cho xây dựng NTM tại Việt Nam, cần thực hiện toàn diện 6 vấn đề. Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cơ sở. Thứ hai, cần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng. Thứ ba, phải thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, vận động và phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể. Thứ năm, xây dựng mô hình quản lý, vận hành công trình khi hoàn thành vào sử dụng. Cuối cùng, cần tạo lập sự công bằng trong đóng góp và minh bạch trong quản lý sử dụng nguồn lực.
Việc huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020 được nhận định là sẽ khó khăn; chính vì vậy Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giao vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2017.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo Chính phủ xem xét quyết định về việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng: Thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập như trước đây; trước mắt, hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí y tế; hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo thiếu hụt về các tiêu chí khác; không hồi tố đối với thời gian trước khi Chính phủ quyết định…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tại hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối NTM các cấp năm 2017 vừa qua, mỗi năm huy động khoảng 10 tỷ USD cho xây dựng NTM, xây dựng nông thôn trở thành những vùng, miền đáng sống. Việc đầu tiên cần làm trong giai đoạn tới là phải xử lý được nợ đọng trong xây dựng NTM.