Đại đồng xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 04/11/2016 02:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là xã thuần nông, đi lên từ xuất phát điểm thấp, song Đại Đồng biết tận dụng cơ hội và tiềm năng của vùng có tuyến QL 14B, ĐT 609 đi qua; vùng có tài nguyên sa khoáng, đá tràng thạch, tài nguyên rừng… để tạo động lực phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mỗi năm, hàng chục tỷ đồng được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về phục vụ dân sinh, như trường học, y tế, đường giao thông... Năm 2016, 2 cụm công nghiệp hình thành trên địa bàn, thu hút được thêm 2 công ty đi vào hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho 500 lao động. Để hoàn thành tiêu chí môi trường, toàn xã đã thực hiện đề án thu gom rác thải 8/8 thôn của xã, đầu tư hạ tầng khu chăn nuôi tập trung đảm bảo đúng theo quy hoạch, bảo vệ môi trường khu dân cư và đang nỗ lực hoàn thành và nâng chất lượng tiêu chí.
Từ 10/19 tiêu chí đạt được trong năm 2015, tính đến cuối năm 2016, Đại Đồng quyết tâm đạt thêm 4 tiêu chí khác, nâng số tiêu chí hoàn thành lên 14/19 tiêu chí. Mục tiêu đặt ra của địa phương là về đích trong năm 2018, tuy nhiên, theo sự chỉ đạo của huyện, xã phấn đấu cán đích trong năm 2017. Trong 5 tiêu chí phải đạt từ nay tới cuối năm 2017, có tới 3 tiêu chí ”cứng” là giao thông nông thôn, thủy lợi và chợ nông thôn mới. Trong khi đó, tiêu chí giao thông nông thôn và thủy lợi cần phải huy động cả chục tỷ đồng đầu tư; còn tiêu chí chợ nông thôn mới dự kiến cần 7 - 8 tỷ đồng, bởi chợ Hà Nha đã xuống cấp, cần phải xây mới toàn bộ, đây là nguồn lực nằm ngoài khả năng cân đối, huy động vốn của xã. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Trương Hữu Mai, nếu được tỉnh và huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí “cứng” thì địa phương sẽ có khả năng về đích trong năm 2017, sớm trước một năm so với kế hoạch chung của huyện.
Mô hình tổ hợp tác trồng sen kết hợp thả cá giúp phát triển kinh tế hộ. Ảnh: T.Nhan |
Thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Đại Đồng còn 4,8%, địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ xuống còn 3% cuối năm 2017. Để đạt được mục tiêu đó cần đẩy mạnh giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. “Ngoài 4 - 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn thu hút lao động, chúng tôi còn kêu gọi một số hộ có điều kiện về vốn, mặt bằng đứng ra thành lập một số tổ may công nghiệp để giải quyết lao động nhàn rỗi và hiện có một số dây chuyền may đã hoạt động. Các trang trại, gia trại trên địa bàn cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho vài chục lao động” - ông Mai nói.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Đồng là đơn vị có đóng góp rất lớn trong phong trào xây dựng NTM của xã. Những năm qua, hợp tác xã đã tập trung hướng dẫn bà con sản xuất nông nghiệp theo lịch thời vụ, phòng ngừa sâu bệnh, cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, giống, phân bón trả chậm, tạo điều kiện cho bà con sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, hợp tác xã tích cực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông và kênh mương nội đồng. Đặc biệt, đơn vị đã làm tốt khâu đầu tư, quản lý lưới điện phục vụ tốt cho sinh hoạt, sản xuất của bà con nông dân... Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2016, tổ hợp tác trồng sen kết hợp thả cá ở bàu Mưng hình thành, là hướng đi hiệu quả trong việc cải thiện kinh tế hộ. Tận dụng 7ha mặt nước ở Bàu Mưng, vốn là vùng ngập nước, trũng quanh năm, 4 hộ dân thôn Lâm Tây đã thả giống sen xanh Đài Loan kết hợp thả cá cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Xích Em, tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sen và thả cá chia sẻ: “Vừa thu hoạch, chúng tôi đang dưỡng để sen tiếp tục nhảy ra diện tích mặt nước còn lại. Chúng tôi mong địa phương tạo điều kiện để tổ hợp tác thuê thêm diện tích, trồng nhân rộng”.
Theo baoquangnam.vn