Đại hội Đảng XII: Rộng cửa cho hội nhập kinh tế

Đại hội Đảng XII: Rộng cửa cho hội nhập kinh tế
Nhận thức đầy đủ về cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế nước ta khi hội nhập sẽ tránh được cho chúng ta những vướng mắc không đáng có.

Phát triển kinh tế bền vững là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong đó, vấn đề hội nhập như thế nào để vừa đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế Việt Nam mà không bỏ lỡ những cơ hội mà hội nhập mang lại là vấn đề được Nghị quyết của các Hội nghị trung ương 12, 13, 14 nhắc đến nhiều trước thềm Đại hội XII của Đảng.

Có thể thấy, hội nhập chính là vấn đề được các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng như các kỳ Hội nghị Trung ương đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới không chỉ mang lợi cơ hội cho doanh nghiệp, người lao động và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, mà còn đặt chúng ta trước rất nhiều thách thức mới.

ảnh minh họa (ảnh:tamnhin.net)

Đánh giá về vấn đề này, tại Nghị quyết của Hội nghị lần thức 12, Ban chấp hành trung ương Đảng cũng chỉ rõ: Nhận thức đầy đủ, đúng đắn thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức mà các hiệp định này có thể tạo ra để chuẩn bị trước những điều kiện và có những chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần này cần đặc biệt được thấm nhuần và quán triệt sâu sắc khi nước ta đã cùng với 11 nước khác đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều kỳ vọng lớn nhưng cũng không ít những thách thức mới”.

Dự báo đúng, nhận thức đầy đủ về cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế nước ta khi hội nhập sẽ tránh được cho chúng ta những vướng mắc không đáng có, những vấn đề mà lẽ ra nếu có sự chuẩn bị trước một cách đầy đủ và đa chiều thì sẽ có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng được thời cơ do hội nhập mang lại. Đặc biệt, những yêu cầu về cải cách nền hành chính công là chính đáng và cần phải thực hiện sớm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi hội nhập.

Cải cách nền hành chính công trước hết phải từ cải cách tư duy của những người làm việc trong bộ máy hành chính công đó, thay đổi từ cách tư duy xin cho, ban phát cho doanh nghiệp, sang tư duy thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Có nghĩa là các cán bộ hành chính phải là người thực sự am hiểu về các hoạt động của doan nghiệp, hiểu rõ doanh nghiệp cần gì, muốn gì, các cơ quan hành chính có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp.

Chỉ có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vững tin khi hội nhập. Cải cách hành chính không nên hiểu một cách đơn giản là giảm số lượng đầu việc và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, mà quan trọng là phải giảm được phiền hà, sách nhiễu đỗi với doanh nghiệp.

Đại hội XII của Đảng thành công sẽ tạo ra rất nhiều hợp lực, xung lực mới để tạo ra tổng thể phát triển đất nước trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức chúng ta phải xử lý, gồm những thách thức trong bối cảnh quốc tế, vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề thị trường, vấn đề cạnh tranh đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu, chúng ta phải kiểm soát an ninh chặt chẽ, toàn diện, bao gồm cả an ninh kinh tế, kiểm soát đầu tư công và chi tiêu công, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước có năng lực cao hơn, hiệu quả hiệu lực cao hơn.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sự đoàn kết, thống nhất và những nỗ lực cải cách hành chính, cải cách thể chế kinh tế theo hướng khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Càng nhận diện rõ thách thức, càng chuẩn bị kỹ càng thì mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ chủ động và tận dụng được những lợi thế do hội nhập kinh tế mang lại./.

Theo VOV