Đắk Nhoong - khởi sắc vùng nông thôn mới

Trở lại xã Đắk Nhoong (Đắk Lây, Kon Tum) lần này, tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh những đứa trẻ nghịch ngợm “trượt tuyết” bên sườn núi khi con đường dẫn vào làng Đắk Ga đang được khởi công xây dựng. Quả thực, đây là “môn thể thao” độc nhất vô nhị và dường như nó chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời của những đứa trẻ người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng nơi vùng biên xa xôi này. Từ trên đỉnh núi cao, từng tốp, từng tốp trẻ con dùng tấm ván mỏng lướt trên lớp bụi dày đặc với tốc độ kinh người. Giờ thì chắc chắn trò chơi ú tim kia chẳng bao giờ xuất hiện trở lại, bởi con đường vào xã Đắk Nhoong đã được đầu tư xây dựng kiên cố lắm rồi...

 

Nội lực từ những người lính biên phòng...

 

Mang câu chuyện “trượt tuyết” vào... mùa hè của lũ trẻ trao đổi với các bậc cao niên ở xã Đắk Nhoong, tôi được các cụ cho biết: “Tụi nó xem trên ti vi nên làm theo đó. Liều thật, nhưng phải nói tại chúng nó vui quá mà. Bao nhiêu năm mới có con đường tốt như thế, các thôn làng biên giới xa xôi bỗng nhiên thấy gần hẳn lên. Tất cả là nhờ “ông không bốn” (Nghị quyết 04/TU của Tỉnh ủy Kon Tum - PV) và BĐBP giúp đỡ đấy. Đắk Ga, Đắk Nớ, Roóc Mẹt, Roóc Nầm làng nào giờ đây cũng có điện, đường, trường, trạm đầy đủ cả”.

 

 

 
BĐBP KonTum thực hiện chương trình mái ấm người nghèo nơi biên giới.

 

Bắt đầu từ năm 2007, thời điểm xã Đắk Nhoong nhận được sự đầu tư mang tính trọng điểm của BĐBP với hàng loạt công trình phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh được triển khai cùng rất nhiều mô hình giúp dân từ tấm lòng người lính. Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Lãnh đạo thực hiện các mô hình điểm giúp dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới”, trong đó, chọn làng Đắk Ga làm điểm đột phá để xây dựng làng “no đủ, vững mạnh, an toàn”.

Sự chung vai kề sức của lực lượng BĐBP như thổi một làn gió tươi mới đến với xã Đắk Nhoong, từ việc “chắp bút” xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hàng năm cho UBND xã, tuyên truyền vận động nhân dân quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, đến việc hỗ trợ cây con giống, tổ chức lao động sản xuất cho bà con theo phương châm “nhiều cùng”. Qua “kênh” thoát nghèo của BĐBP, người dân ở các làng Đắk Ga, Đắk Nớ, Roóc Mẹt, Roóc Nầm, Đắk Nhoong, Đắk Ung, Đắk Brỏi từng bước đưa các loại cây hàng hóa như bời lời, cà phê, chuối, lúa nước đến gần với buôn làng hơn, đồng thời dịch chuyển đàn gia súc ra xa khu dân cư theo mô hình chăn nuôi tập trung. Đời sống văn hóa, tinh thần theo đó cũng được cải thiện đáng kể.

Chỉ trong 5 năm (2007 - 2012), BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đã vận động bà con nơi đây chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích lúa nước toàn xã lên đến hơn 10ha, phát triển mô hình chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc hàng trăm con, hướng dẫn nhân dân đào ao thả cá, xây dựng 50 căn nhà mái ấm cho người nghèo, nhà đại đoàn kết; xây dựng và trang bị đầy đủ các thiết chế văn hóa cho nhà rông làng Đắk Ga, hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã...

Bên cạnh đó, BĐBP còn tổ chức được 3 lớp học xóa mù chữ, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 5.000 lượt người, hỗ trợ hàng ngàn ngày công lao động giúp dân làm nhà, thu hoạch mùa màng, tu sửa đường giao thông và các công trình công cộng khác. Ông A Nhông, Trưởng thôn Đắk Ga vui vẻ cho chúng tôi biết: “Bò giống của BĐBP tặng cho bà con giờ đã tăng mấy chục con rồi. Cây bời lời, lúa nước, cà phê cũng phát triển tốt. Riêng làng Đắk Ga của mình chỉ có hơn 60 hộ gia đình thôi, nhưng việc gì BĐBP cũng giúp cả; từ cái cổng chào của làng, sân bóng chuyền, đường bê tông, nhà rông văn hóa, nhà đại đoàn kết cho đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con. Có bộ đội, bà con vững cái bụng, ấm cái lòng hơn...”.

“Chiếc cầu nối” với buôn làng

Khẳng định vai trò động lực chính của sự phát triển, BĐBP Kon Tum còn làm tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nhằm tập trung mọi sự trợ giúp mang niềm vui đến với người dân vùng biên giới. Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho xã Đắk Nhoong triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước như công trình nước tự chảy thôn Đắk Nớ trị giá 1,1 tỷ đồng, cầu tràn Đắk Ung (360 triệu đồng), cấp phát 1.796kg ngô giống trong Chương trình 168, 32 con bò giống và 738 triệu đồng thuộc chương trình định canh định cư và giảm nghèo của tỉnh cho các hộ nghèo...

BĐBP còn phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Kon Tum hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc 10 ngàn cây cà phê, hơn 30 ngàn cây bời lời (riêng BĐBP hỗ trợ 26 ngàn cây) giúp bà con phát triển mô hình kinh tế vườn đồi. Với vai trò là chiếc cầu nối mang niềm vui đến với buôn làng, BĐBP tỉnh đã vận động tài trợ, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp hàng tỷ đồng giúp đỡ bà con xã Đắk Nhoong.

Có thể nói, tấm lòng người lính “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách” luôn được thể hiện đậm nét trên mỗi góc làng, ngõ xóm, mỗi mái nhà ở Đắk Ga, Đắk Nhoong, Đắk Nớ, Đắk Ung, Roóc Mẹt, Roóc Nầm, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, quản lý bảo vệ tốt chủ quyền biên giới quốc gia.

Cẩm Xuyên