Đăk Tô huyền thoại

Đăk Tô huyền thoại
Bốn mươi hai năm vượt qua đau thương mất mát, bốn mươi hai năm chung tay xây dựng, bây giờ, Đăk Tô đã khoác lên mình tấm áo của hòa bình.

TP. Pleiku (Gia Lai) đến huyện Đăk Tô (Kon Tum) khoảng 90 km - đoạn đường mà trước năm 1975, các chiến sĩ của ta hành quân phải mất nhiều ngày mới đến dưới mưa bom bão đạn. Còn bây giờ, chỉ mất chưa đến hai giờ đồng hồ, bon bon trên đường Hồ Chí Minh, tôi đã có mặt ở thị trấn Đăk Tô.

Đăk Tô tháng Tư - cuối mùa khô Tây Nguyên nên cái nắng như tranh thủ những ngày cuối mùa, hầm hập trút xuống vùng đất này, vùng đất mà mỗi một mét vuông đều là di tích. Gần một ngày dưới cái nắng ấy, tôi đi dạo đến những di tích, những trận địa mà ngày trước, các chú, các anh đã anh dũng chiến đấu, anh dũng hy sinh để có một Đăk Tô hôm nay.

Đây là đồi Sạc Ly (địa phận chung của 3 huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) - nơi mà từ đây có thể kiểm soát được đường 14 phía dưới và nhiều vùng phụ cận mang tầm chiến lược quan trọng, nơi không quân Mỹ tiến hành rải chất độc hóa học đầu tiên trên đất nước ta, cũng là túi bom đạn khổng lồ với những trận đánh ác liệt nhất hòng chiếm quyền kiểm soát Tây Nguyên giữa ta và địch. Không thể đếm được có bao nhiêu bom đạn đã trút xuống quả đồi này trong chiến tranh.

Từ năm 2000 đến nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ với diện tích trên 1.600 ha mà dày đặc nhất là vùng đồi Sạc Ly và sân bay dã chiến Phượng Hoàng. Riêng từ năm 2008 đến nay, đã có trên 13 tấn bom các loại được thu gom và tiêu hủy. Giờ đây, bằng sự cần mẫn của con người, đồi Sạc Ly đã lấy lại được màu xanh thanh bình vốn dĩ của nó với những rừng thông, rừng cao su, những nương sắn bạt ngàn...

Từ đồi Sạc Ly, theo đường Hồ Chí Minh về trung tâm huyện Đăk Tô là Bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh (tháng Tư năm 1972). Từ đây, cách khoảng 2 km, hướng về thị trấn Đăk Tô đã nhìn thấy cụm Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.

Nổi bật trên nền trời xanh là tượng đài cao vút mà trên đó, cụm tượng chiến sỹ với nhân dân (đồng bào Tây Nguyên) kết hợp hài hòa, nói lên sự đoàn kết keo sơn giữa quân và dân trong những ngày gian khó nhất. Hai bên tượng đài, hai chiếc xe tăng từng tham chiến trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh tháng Tư năm 1972 sừng sững, uy nghiêm hướng nòng lên bầu trời cao.

Trong hai chiếc xe tăng ấy, chiếc chiến xa T54 mang số hiệu 377 đã đi vào huyền thoại với trận đánh lịch sử rạng sáng ngày 24/4/1972: Rạng sáng ngày hôm đó, 377 dẫn đầu hai chiến xa khác mang số hiệu 354 và 369 thọc sâu vào lòng địch. Do gặp phải chướng ngại vật nên 354 và 369 tụt lại phía sau, 377 lao lên trước.

dsc00447120858407
Xe tăng T54 số hiệu 377

Thấy ta chỉ có một chiếc xe tăng lao đến, địch triển khai đội hình hai mũi với 10 chiếc xe tăng M41, bao vây 377. Chiến xa 377 anh dũng quần nát các chiến hào địch, mềm mại và khéo léo né tránh những làn đạn như mưa dội đến, bắn cháy 7 xe tăng M41 của địch. Khi hai chiếc 354 và 369 lao đến, cũng là lúc chiếc 377 trúng đạn địch, bốc cháy. 4 chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ấy để có được chiến thắng ngay sau đó: Giải phóng thị trấn Đăk Tô vào lúc 5 giờ 55 phút ngày 24/4/1972.

Bây giờ, hai chiếc xe tăng đã được sơn lại, lúc nào cũng sạch bóng như lau như ly, nằm hai bên tượng đài một cách hài hòa. Cách đó vài chục mét là mái nhà rông truyền thống tọa lạc trên thảm cỏ xanh, dưới tán cây mát rượi… Nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia; nơi mà ngày nào cũng có không dưới hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh - tất nhiên, không thể thiếu tấm ảnh chụp chung với chiếc chiến xa 377 huyền thoại…

Bốn mươi hai năm vượt qua đau thương mất mát, bốn mươi hai năm chung tay xây dựng, bây giờ, Đăk Tô đã khoác lên mình tấm áo của hòa bình. Dẫu có thể còn sót lại một vài quả bom mìn dưới lòng đất trên đỉnh đồi Sạc Ly, nhưng quả đồi lịch sử này đã khoác trên mình một màu xanh no đủ.

Từ đây, nhìn xuống dòng sông Pô Kô một thời “dậy sóng”- dòng sông từng che giấu và đưa bộ đội ta sang sông đánh giặc, dòng sông đã từng nhấn chìm không ít quân xâm lược, bây giờ ngằn ngặt xanh, hiền hòa xuôi chảy, tưới mát ruộng đồng và cung cấp sản vật cho cư dân định cư hai bên bờ sông. Thi thoảng đây đó, từng đàn bò thong dong gặm cỏ bên những ruộng dưa, những bãi ngô mướt xanh.

dsc00445120857589
Cụm tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Bốn mươi hai năm - bốn mươi hai mùa khô Tây Nguyên, thời gian chưa đủ để xóa đi những chứng tích đau thương của chiến tranh, chưa đủ để đếm một cách chính xác có bao nhiêu sinh mạng đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất này trong trận chiến Đăk Tô - Tân Cảnh (kể cả bộ đội ta, dân quân du kích và đồng bào các dân tộc nơi đây, kể cả những chiến binh phía bên kia chiến tuyến).

Thời gian cũng chưa đủ để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Song, Đăk Tô - về cơ bản đã mang một diện mạo mới: Diện mạo của sự thanh bình
và no ấm.

Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Tô Trần Dương Sơn cho biết: Đăk Tô hiện có gần mười ngàn hộ với khoảng bốn vạn nhân khẩu định cư trên 9 xã, thị trấn của huyện. Dân tộc chính ở đây là đồng bào Sê Đăng, Ba - Na, Dẻ Triêng.

Cũng theo ông Sơn thì kinh tế chủ lực của huyện, ngoài Nhà máy Chế biến tinh bột sắn và cồn cùng hai thủy điện Đăk Rơ Sa (1 và 2), ngoài tiềm năng phát triển ngành du lịch với hệ thống các di tích lịch sử, với tiềm năng thiên nhiên hoang sơ, Đăk Tô còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp - được xem là thế mạnh của huyện.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 51 ngàn ha toàn huyện, ngoài những cánh rừng nguyên sinh, những quả đồi đã được hồi sinh bằng những cánh rừng trồng cây nguyên liệu (với trên 8.000 ha rừng trồng cây nguyên liệu giấy), huyện có gần chín ngàn ha cây trồng hàng năm như lúa, ngô, dưa, rau đậu các loại. Ngoài ra đến nay, toàn huyện còn có gần 8 ngàn ha cao su và 1.200 ha cà phê.

Lợi dụng địa hình với hệ thống sông hồ thuận lợi, Đăk Tô cũng đã tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, củng cố mở rộng diện tích ao hồ sẵn có và tận dụng tối đa diện tích mặt nước các hồ đập thủy lợi để nuôi trồng thủy sản.

Đăk Tô - Pleiku, tôi trở về trên con đường cũ. Đường 14 bây giờ có thêm tên gọi: Đường Hồ Chí Minh - con đường đang được mở rộng và nâng cấp thông thoáng, hiện đại. Hai bên đường là bạt ngàn cao su, cà phê, là những nương ngô, ruộng dưa xanh mướt; hai bên đường là những thị trấn, thị tứ sầm uất. Và bên kia là dòng Pô Kô hiền hòa xuôi chảy.

Tôi yêu và có ấn tượng đặc biệt với tất cả những dòng sông. Trên mảnh đất hình chữ S này, dòng sông nào cũng đã không ít lần đi qua gươm đao, đạn bom, máu lửa.

Nhưng với Pô Kô - dòng sông không dài cũng không rộng về mặt địa lý, nhưng cũng đủ rộng đủ dài để viết lên trang sử hào hùng của chiến sỹ và đồng bào Bắc Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu thần thánh để có được ngày hôm nay.

Nguồn: Nôngnghiep.vn