Đậm sâu dấu ấn “người lính quân hàm xanh”
- Thứ bảy - 16/06/2018 06:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đẩy mạnh tuyên truyền, đi sâu hành động
Đồn BP Nhơn Hưng quản lý 2 xã biên giới là Nhơn Hưng và An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang). Trong những năm qua, được sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương, việc thực hiện phong trào “BĐBP An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” của đơn vị đã đạt được những kết quả tốt. Cơ sở hạ tầng, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương dần được hoàn thành.
Trung tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn BP Nhơn Hưng cho biết: “Hơn 2 năm qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng các mục tiêu, lộ trình cần đạt được của công tác xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất nhận thức, hành động. Đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tích cực xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ vững tình làng, nghĩa xóm, xóa các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng chống các tệ nạn xã hội”.
Các tiêu chí nông thôn mới được cán bộ, chiến sĩ đơn vị cụ thể hóa vào các mô hình, phần việc như “Hàng rào sinh thái”, “Thắp sáng đường nông thôn”, “Bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường nông thôn”. Đơn vị vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền để làm 72 cột điện và 160 bóng đèn đường ở các sóc, với tổng số tiền 340 triệu đồng; cất mới, sửa chữa 56 căn nhà cho hộ nghèo.
Đảng ủy, chỉ huy đơn vị cũng tích cực tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với Hội Khuyến nông mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề cho 342 lao động, tạo việc làm cho 205 người theo thế mạnh của từng xã; tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, thủy sản, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong giai đoạn 2016-2018, 2 xã biên giới đã chuyển dịch được 12,5% lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; củng cố kiện toàn, thành lập mới 16 tổ hợp tác, 8 trang trại. Những việc làm thiết thực đó đã thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ổn định kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
Nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả
Cho đến nay, việc thực hiện phong trào “BĐBP An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” của đơn vị đã thu được những kết quả tốt, tạo sức lan tỏa đối với các đơn vị BĐBP trong tỉnh. Thu nhập của người dân trên địa bàn được nâng lên; cơ sở hạ tầng về giao thông, dân cư, được đầu tư ngày càng hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Những dấu ấn sâu đậm của “những người lính mang quân hành xanh” trên “mặt trận” xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, cảm kích.
Từ phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều sáng kiến mang tính đột phá, nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới. Đó là các mô hình: “Cột cờ thẳng tắp”, “Hàng rào sinh thái”, “Mái ấm biên cương”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng rác 100 đồng”, “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Camera an ninh nơi biên giới”, “Phòng đọc biên giới”, “Phòng học ngoài giờ”...
Đặc biệt, từ các mô hình trên, đã xuất hiện, tỏa sáng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tạo dấu ấn sâu đậm về hình ảnh người lính mang quân hàm xanh. Đó là các cá nhân: Thượng úy Đặng Quyết Tiến, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Anh là tấm gương sáng trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, với đề xuất mở lớp dạy chữ cho học sinh người dân tộc Khmer trên địa bàn. Ngoài giờ làm việc, Tiến còn cặm cụi thu lượm vỏ chai, sắt vụn để bán lấy tiền, cộng với trích thêm tiền lương cá nhân để mua đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo. Với những cống hiến của mình, Nguyễn Quyết Tiến đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen. Tiến còn vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Đoàn Thanh niên vinh danh là một trong “10 gương mặt trẻ triển vọng của BĐBP”.
Đại úy Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên phó đơn vị là người có sáng kiến và vận động nhân dân 2 xã lắp camera an ninh nông thôn, phòng, chống nạn trộm cắp hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Anh cũng là người đi đầu vận động nhân dân tích cực trồng cây xanh, diệt loăng quăng, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở các khu vực công cộng. Đặc biệt, Huy đã vận động nhiều hộ dân ở sóc Tà Ngáo, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đưa trâu bò ra xa nhà ở, để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho người dân.
Trung tá Nguyễn Văn Hiệp, người “kiến trúc sư trưởng” của công trình “Dân vận khéo” với mô hình “Phòng đọc biên giới”, có diện tích gần 50m2, với trên 2.896 đầu sách các loại, phục vụ cán bộ, công nhân viên chức, bà con và các cháu học sinh đến đọc sách.
Với những tấm gương sáng ngời, những sáng kiến, những mô hình hiệu quả, thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nhơn Hưng đã góp phần đáng kể cho việc hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới ở địa bàn. Diện mạo nông thôn được thay đổi, mối quan hệ quân dân ngày càng gắn bó; tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới Cam-pu-chia ngày càng bền chặt.
Chiến Khu/bienphong.com.vn