Đan Phượng, lá cờ đầu về NTM ở Thủ đô

Đan Phượng, lá cờ đầu về NTM ở Thủ đô
Các mô hình sản xuất tiến bộ, năng suất cao bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ; đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất, tinh thần; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn giữ vững ổn định… Đó là bức tranh nông thôn mới (NTM) đang dần hoàn thiện ở Đan Phượng với 13/15 xã cán đích. Đan Phượng đang phấn đấu là huyện NTM đầu tiên của Hà Nội vào cuối năm nay.
 

Thời điểm trước khi triển khai Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy TP.Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2012 - 2015”, Đan Phượng là huyện có nền sản xuất nông nghiệp manh mún, vốn đầu tư còn hạn chế. Quá trình đô thị hóa ở huyện diễn ra nhanh và mạnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho XDNTM. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong XDNTM. Chủ động vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo, sát thực tiễn, hiệu quả; vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương, Thành phố trong XDNTM.

Nhờ vậy, sau 4 năm thực hiện chương trình, kết quả thực hiện 19 tiêu chí NTM đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng hoàn thành, tạo tiền đề vững chắc cho việc quy hoạch lại sản xuất, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 700ha đất lúa sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa, cây ăn quả…, nâng giá trị canh tác nông nghiệp hiện nay đạt từ 160 - 250 triệu đồng/ha. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, cụm công nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút khoảng 6.200 lao động. 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của dạy và học. 38/55 trường học các cấp trên địa bàn (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) có cơ sở vật chất đạt chuẩn. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được nâng cao, hàng năm duy trì tỷ lệ vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn từ 35% (năm 2010) lên 61% (năm 2014). An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân năm 2014 đạt 26,5 triệu đồng/người (tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%. Toàn huyện có 45 làng, 13 thôn, 21 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 89% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt và vượt chỉ tiêu thành phố(4%). Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày đạt 98%.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, chia sẻ, muốn làm tốt XDNTM, công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Theo đó, bắt tay vào thực hiện, huyện đã xác định đây là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Bởi vậy, công tác tuyên truyền về XDNTM được huyện quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, phải có phương pháp và cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình từng xã, không rập khuôn máy móc. Tại mỗi xã trên địa bàn huyện, các tiêu chí, nhóm tiêu chí được rà soát và thực hiện theo hình thức tiêu chí cần làm trước thì làm trước, để vừa giải quyết nhu cầu của nhân dân vừa tạo ra động lực để thực hiện các tiêu chí tiếp theo phù hợp với nhận thức, khả năng huy động vốn của từng địa phương và tình hình chung của huyện.

Năm 2014, huyện đã có 7 xã về đích NTM và được TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2015.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, tập trung nâng cao chất lượng XDNTM để phát triển, giữ gìn danh hiệu NTM và có như vậy mới phát triển bền vững”, ông Thắng nói. 

Kết quả XDNTM ở Đan Phượng có được một phần không nhỏ là nhờ vào nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế…trên địa bàn. Trong tổng số hơn 1.955 tỷ vốn bố trí cho XDNTM tại Đan Phượng thì có đến gần 500 tỷ đồng là vốn xã hội hóa.

Thành công trên cho thấy sự sáng tạo trong lãnh đạo, sự nhiệt huyết, tận tình của cán bộ thực hiện và sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân toàn huyện. Với 13/15 xã cán đích NTM, thời gian tới, Đan Phượng sẽ phấn đấu để 2 xã còn lại đạt chuẩn NTM năm 2015, trở thành huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn NTM.

Hoàng Kim
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn