Dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Những ngày nắng oi bức mùa hè, chúng tôi về thăm xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định), nơi từng là chiến khu xưa của Tỉnh ủy Bình Định.

Đi trên những con đường bê tông xi măng, hai bên đường là những ngôi nhà mới; hệ thống điện- đường- trường- trạm khang trang, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, văn hóa - xã hội thêm khởi sắc, ...

15-45-39_x_ct_sonphu_ct_du_tu_mo_rong_gtnt-_trong_nh_don_duong_gtnt_thon_thch_bn_ty
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã miền núi Cát Sơn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế hạn chế. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, với sự thống nhất đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, bức tranh NTM Cát Sơn đang dần khởi sắc. Đến nay, Cát Sơn đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, Cát Sơn có được như hôm nay là nhờ có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân, trong tiến trình xây dựng NTM. Là xã miền núi, bước đầu Cát Sơn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm kinh tế thấp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng hạn chế, mạng lưới giao thông không thuận lợi. Làm thế nào để xây dựng NTM đạt hiệu quả là điều mà Đảng bộ xã luôn trăn trở tìm hướng đi.

Theo ông Nam, quan điểm là mọi việc có liên quan đến đời sống của người dân, đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thấu tình, đạt lý. UBND xã luôn cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân, để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với tình hình địa phương.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hơn 23,8 tỷ đồng, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; từng bước đáp ứng nhu cầu SX và sinh hoạt. Trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 01 tỷ đồng, vốn lồng nghép từ các dự án khác hơn 22,1 tỷ đồng, người dân hiến đất, tài sản, ngày công, trị giá gần 700 triệu đồng.

Hiện nay, toàn xã có 25km trục đường liên xã- liên thôn và 24,2km kênh mương bê tông, được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân và góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Ông Võ Thanh Hùng, một người dân ở thôn Thạch Bàn Đông, vui mừng khi thấy quê hương đổi thay từng ngày: “Tôi thấy bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, cuộc sống mỗi ngày một khá lên, KHKT được áp dụng rộng rãi trong SX và đời sống, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, các cháu có nơi học hành tốt”.

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập, xã đã quy vùng SX luân canh, xen canh, chú trọng phát triển kinh tế rừng, đồi, nuôi cá lồng... cho thu nhập cao. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đạt 35,7 triệu đồng/người/năm. Một trong những thành quả đạt được là toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 5,23%, giảm 3,66% so với năm 2017.

15-45-39_mo_hinh_nuoi_c_dieu_hong_tren_long_be_o_ho_hoi_son_x_ct_son_phu_ct_thu_nhp_co
Mô hình nuôi cá lồng bè mang lại thu nhập cao

Cùng với phát triển SX nông nghiệp, xã cũng tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu trong thời gian tới giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 1-2%. Để làm được điều này, Đảng ủy xã Cát Sơn đã có chủ trương vận động cán bộ, đảng viên nêu gương trong việc giúp đỡ, nuôi dưỡng đưa cha, mẹ, người thân của mình thoát nghèo, sau đó triển khai rộng rãi ra dân.

Đến nay, sau hơn 8 năm xây dựng NTM, xã miền núi Cát Sơn đã đạt 15/19 tiêu chí. Mặc dù là xã vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả đã đạt được là động lực, tạo điểm nhấn để Cát Sơn vươn lên hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích NTM vào năm 2020.
Theo Thế Hà/nongnghiep.vn