Dân đồng lòng, đồng thuận

Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, với nỗ lực của chính quyền các cấp, nhất là tạo đồng thuận của người dân trong thực hiện các tiêu chí, Chương trình NTM của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phát huy dân chủ

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” được triển khai sâu rộng, bước đầu đã thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như phát huy được vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 13 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nói về những kết quả đã đạt được, Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu đến các tầng lớp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định rõ trách nhiệm để chủ động tham gia xây dựng NTM tại địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy nội lực, tính năng động sáng tạo, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM.

Với đặc điểm địa bàn miền núi, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân thường tận dụng gầm nhà sàn để nuôi nhốt gia súc, gia cầm gây mất vệ sinh môi trường, khi triển khai chương trình NTM, tiêu chí môi trường luôn là vấn đề nan giải. Như tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, trong cái khó, chính quyền xã đã có cách làm sáng tạo. Trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, xã đã quyết định dùng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để lập dự án di dời chuồng trại. Với nguồn kinh phí 100 triệu đồng, việc chọn hộ gia đình để triển khai và thực hiện theo cách thức nào không phải là việc dễ. Bí thư Đảng ủy xã Dương Công Thầm nhớ lại: Xã đã tổ chức họp dân thống nhất hình thức hỗ trợ người dân đối ứng từ 12 triệu đồng trở lên, dự án hỗ trợ 5 triệu đồng; người dân các thôn sẽ bình xét, bỏ phiếu kín để chọn ra 20 hộ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn cho người dân nâng cao kiến thức về vệ sinh môi trường và tác hại của các chất thải trong chăn nuôi. Quy cách về chuồng trại, được quy định thống nhất cách xa nơi ở, công trình nước sinh hoạt; bảo đảm công trình phụ trợ, khu vực chứa và xử lý chất thải đúng quy định...

Sau 5 tháng triển khai, các hộ thí điểm đã hoàn tất việc di dời chuồng trại, tiến hành xây dựng các công trình chứa chất thải chăn nuôi. Dự án đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nhờ vậy trong năm 2015, Quỳnh Sơn đã di dời và vận động người dân xây dựng chuồng trại đúng quy cách đạt 80% trở lên, góp phần quan trọng hoàn thành tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Vệ sinh môi trường chăn nuôi bảo đảm đã khiến cho nhiều hộ gia đình yên tâm và có hướng phát triển mở rộng chăn nuôi, điển hình như hộ anh Dương Đình Sầm, thôn Nà Riềng II nuôi được 4 con bò, sau 14 tháng xuất chuồng thu về hơn 80 triệu đồng, đời sống gia đình từng bước được cải thiện.  

Phấn đấu thêm 59 xã đạt chuẩn NTM

 Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh Lạng Sơn đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn được trên 736 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 159.315 tấn xi măng, huy động được 2,1 triệu ngày công lao động, người dân hiến 1.474.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Kết quả, đã mở mới được 404km đường giao thông nông thôn, xây dựng được 1.347km mặt đường bê tông.

Phong trào xây dựng NTM tại Lạng Sơn đang từng ngày đem lại những đổi thay trong cuộc sống người dân nơi đây. Đến tháng 12.2015, toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 6,28%. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Thị Thanh Nhàn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có thêm 59 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm sẽ còn gặp không ít khó khăn. Bởi cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn nhiều hạn chế; trình độ dân trí tập quán sinh hoạt sản xuất của người dân nông thôn còn lạc hậu; nguồn lực đầu tư trực tiếp cho xây dựng NTM còn hạn hẹp; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như là tỉnh miền núi biên giới, điều kiện KT - XH còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu đầu tư về hạ tầng rất lớn trong khi khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng miền, gây khó khăn cho công tác triển khai... việc đánh giá thực trạng các tiêu chí nhiều xã chưa sát với thực tế, ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện; việc thực hiện các cơ chế giao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; thiếu các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân...

Khắc phục những vấn đề trên, theo ông Vinh thời gian tới Lạng Sơn sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước. Xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn, có xuất phát điểm thấp. Chủ động phối hợp cùng các sở, ngành, UBND huyện, TP ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện xây dựng NTM đạt hiệu quả theo từng lĩnh vực. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của  các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...

Theo Khánh Duy/daibieunhandan.vn