Dân hiểu và dùng vốn đúng

Dân hiểu và dùng vốn đúng
Lào Cai có 6/9 huyện, thành phố thuộc diện khó khăn, 3 huyện nghèo là Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương. Việc chuyển tải vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác những năm qua đã góp phần không nhỏ vào chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Động lực để nông dân thoát nghèo

Khi nói về vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH, ông Lương Văn Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng nói ngắn gọn: “Không có hơn 40 tỷ đồng vốn chính sách của Ngân hàng CSXH thông qua các chương trình tín dụng thì dù có quyết tâm, địa phương cũng khó giảm nghèo được”. Những điều ông Thuận nói được minh chứng rõ ràng: Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 10,9% từ mức cao năm 2013 là 18,7%.

 


Chị Lương Thị Phúc (thôn Tả Phời 3, xã Tả Phời, TP. Lào Cai) đầu tư vốn vay hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản.   
Người dân xã Gia Phú vay vốn hộ nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cận nghèo chủ yếu đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, khai hoang ruộng. Với các bản vùng cao của xã thì đồng bào Dao đỏ, Xa Phó lại đầu tư nuôi đại gia súc như trâu, bò. Anh Nguyễn Văn Cương (thôn Hùng Thắng) vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo năm 2008 đầu tư nuôi lợn, gà và đã thoát nghèo năm 2010.

 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. “Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, vợ chồng tôi gây dựng dần nên khu chuồng nuôi lợn, ao thả cá. “Năm vừa rồi, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi lãi hơn 100 triệu đồng từ bán cá và lợn thịt…” - anh Vi Văn Hùng, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai chia sẻ.

“Cõng” vốn lên bản

Ông Đoàn Văn Lưu - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được duyệt thì nâng cao chất lượng tín dụng cũng là lĩnh vực công tác được ngân hàng tập trung giải quyết. Tổng dư nợ vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đạt hơn 1.840 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ ở mức 0,15%, giảm 1,3 tỷ đồng so với năm 2013.

Theo ông Lưu, một trong những lý do để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai là có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể, nhất là cấp cơ sở, các tổ tiết kiệm vay vốn. Ông Lương Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú khẳng định: “Không chỉ cấp ủy, chính quyền vào cuộc mà còn ràng buộc trách nhiệm các tổ chức chính trị xã hội tham gia ủy thác vốn chính sách. Công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức phải đặt lên hàng đầu. Người dân bây giờ vay vốn ưu đãi đều hiểu là vay để đầu tư sản xuất chứ không phải để ăn.

Theo anh Vũ Đức Cường - cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng, công sức cho tuyên truyền để dân thông, dân hiểu là một nỗ lực không nhỏ. “Ngân hàng giao dịch tại trụ sở xã 1 tháng 1 lần, nhưng công tác tuyên truyền, vận động, giám sát sử dụng vốn phải lên từng thôn, bản, đến từng hộ dân. Như ở xã Gia Phú, có những bản phải đi gần nửa ngày mới lên đến nơi. Nhiều người nói đùa cán bộ tín dụng là “cõng” vốn lên bản là vậy” - anh Cường cho biết.

   Dư nợ ủy thác vốn ưu đãi thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đạt 1.839 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ, trong đó Hội ND quản lý 500 tỷ đồng, Hội Phụ nữ 502 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 396 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên quản lý 440 tỷ đồng. 
Nguồn: danviet.vn