Dân làm, dân kiểm tra

Dân làm, dân kiểm tra
Nét nổi bật nhất của Tân Trào ở chỗ xây dựng mới nhiều kết cấu hạ tầng theo tiêu chí NTM, nhưng vẫn giữ được nét sinh hoạt truyền thống của bà con nơi đây.
Dân làm, dân kiểm tra
Những căn nhà sàn truyền thống ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào
Để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã chọn công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân đặt lên hàng đầu, theo quy chế dân chủ ở cơ sở.
Chính vì thế, nét nổi bật nhất của Tân Trào ở chỗ xây dựng mới nhiều kết cấu hạ tầng theo tiêu chí NTM, nhưng vẫn giữ được nét sinh hoạt truyền thống của bà con nơi đây.
Đó là những căn nhà sàn hoà mình cùng bóng cây rừng, giữ trọn vẹn nét đẹp của vùng quê miền núi. Chính vẻ đẹp tự nhiên đó đã luôn hấp dẫn du khách mỗi khi đến khám phá mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
Ông Phạm Ngọc Thành, Trưởng thôn Vĩnh Tân, hồ hởi cho biết, giá như Chương trình xây dựng NTM đến sớm hơn, sẽ giúp cho người dân có điều kiện được thừa hưởng hạ tầng xã hội nhanh, giúp cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ, đó cũng là niềm mơ ước của nhân dân ta từ nhiều đời nay.
Còn anh Hoàng Văn Hoà thôn Vĩnh Tân cho rằng, các tiêu chí trong Chương trình NTM đã "đánh" trúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, nên khi triển khai thực hiện, gia đình anh cũng như các gia đình khác trong thôn rất hưởng ứng.
Khởi điểm xây dựng NTM, Vĩnh Tân có 10/109 hộ nghèo, băn khoăn nhất của Vĩnh Tân là làm thế nào xoá nghèo tận gốc. Ban đầu, cũng chỉ với phương châm nâng đỡ nhau thông qua những việc làm cụ thể từ giúp đỡ phát triển kinh tế hộ, đến giúp đỡ xây dựng hạ tầng, nơi ở.
Cuối cùng, cả thôn đã lựa chọn thế mạnh của thôn là có 105 ha chè đang cho thu hoạch, do đó mọi người đã quyết tâm hợp sức để xây dựng “thương hiệu của thôn” mang tên HTX chè Vĩnh Tân, theo phương thức SX: Rẻ, sạch, an toàn để phục vụ nhu cầu thị trường.
Từ khi HTX chè Vĩnh Tân ra đời, cùng với sự đoàn kết cao của thôn, thương hiệu chè Vĩnh Tân có chỗ đứng trên thị trường và nhanh chóng trở thành làng nghề đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, giá bán từ 100 nghìn/kg năm 2012, nhưng từ năm 2013 đến nay ổn định mức 250 nghìn đồng/kg.
Anh Phạm Văn Tuyến, Chủ nhiệm HTX chè Vĩnh Tân, vui vẻ: Từ khi HTX chè ra đời, lao động trong thôn đã từng bước được nâng cao thu nhập, với mức bình quân từ 25-30 triệu đồng/người/năm. Do đó, đến cuối năm 2013, cả thôn đã không còn hộ nghèo.
Còn anh Nguyễn Văn Thuận, một trong những hộ gia đình thoát nghèo chậm nhất tại thôn Vĩnh Tân, cho hay: “Tháng 4/2013, gia đình tôi được sự hỗ trợ xóa nhà tạm, cùng số tiền tiết kiệm được, gia đình đã xây dựng ngôi nhà kiên cố, ổn định đời sống".
 
14-36-49_2
Đường bê tông nối liền các thôn xóm ở xã Tân Trào
 
Để người nghèo có đất canh tác lâu dài, chính quyền xã Tân Trào đã tiến hành thu hồi 5% đất công ích, khoảng 10 ha, rồi sắp xếp, giao khoán lại cho các hộ nghèo thiếu đất SX.
Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình MTQG xây dựng NTM, Tân Trào đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây đặc sản, xây mới các nhà văn hóa tại các thôn, xóa nhà tạm cho 260 hộ...
Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo bước đệm để thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng NTM.
Nhờ có cách làm tổng thể, không chỉ giúp đổi thay trong từng căn nhà nghèo trước đây, mà diện mạo Tân Trào đổi thay nhanh chóng với 100% đường liên thôn, xã đã được nhựa hoặc bê tông hóa, 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông phẳng phiu, hệ thống trường, chợ, điện, nước sạch... đều chuẩn theo các tiêu chí NTM.
Năm 2011, Tân Trào mới đạt 6/19 tiêu chí, thu nhập bình quân mới đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,6%, hộ cận nghèo là 38%.
Khi vinh dự được chọn là 1 trong 3 xã đại diện cho 3 miền, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và sự nỗ lực của người dân, đến hết năm 2014, xã Tân Trào đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, về đích NTM sớm nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Theo: nongnghiep.vn