Dân phải giàu trên quê hương
- Chủ nhật - 18/11/2012 23:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông qua giới thiệu của tỉnh, điểm đến thăm đầu tiên của đoàn là xã An Đạo, huyện Phù Ninh. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, có hệ thống giao thông đường bộ và giao thông đường thủy chạy qua nên trong những năm qua An Đạo có nhiều điều kiện giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, được chọn là một trong những xã điểm xây dựng NTM của huyện.
Về cơ sở hạ tầng bước đầu xây dựng NTM, An Đạo đã đạt 10/19 tiêu chí, sau hơn một năm triển khai xã đã đạt thêm 4 tiêu chí chỉ còn lại 5 tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư lớn là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa và cơ cấu lao động.
Đoàn công tác kiểm tra việc xây dựng NTM ở An Đạo
Theo ông Vũ Thế Dân, Chủ tịch UBND xã An Đạo, thì trong năm 2011 -2012 xã đã thực hiện hàng loạt dự án để phát triển sản xuất như trồng lúa cao sản tại khu Đồng Ướt, Đồng Dầu, trồng cây khoai tây Hà Lan vụ đông; cây ngô đông; dự án cây cà chua chiêm chất lượng cao; chương trình lợn nái sinh sản theo mô hình ngân hàng lợn; nuôi cá rô đầu vuông, nuôi gà ri, hỗ trợ mua máy cày, máy phun thuốc BVTV…
Báo cáo của UBND xã cho thấy phong trào xây dựng NTM ở An Đạo được triển khai khá tốt, từ cán bộ xã, cán bộ thôn đến nhân dân đều thể hiện quyết tâm, nhiệt tình đóng góp công sức, đất đai, của cải để làm NTM, bám sát các tiêu chí mà TƯ đặt ra. Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Ngọ việc xây dựng NTM bám sát các tiêu chí là đúng nhưng các cán bộ xã, huyện cần hiểu tiêu chí chỉ là “phương tiện” để tiến tới NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, cán bộ cơ cở cần phải gắn đến mục tiêu: nâng cao chất lượng cuộc sống của dân, sao cho người dân ở nông thôn được hưởng thụ cuộc sống tốt và hài lòng với cuộc sống của họ. Phân tích tiêu chí thu nhập, như cán bộ xã báo cáo hiện nay bình quân đầu người là 19 triệu đồng nhưng nguồn thu nhập chủ yếu tại địa phương vẫn là đi làm thuê chưa xây dựng được những mô hình làm giàu bền vững trên quê hương của mình.
“Nếu phải đi làm thuê xa nhà, cơm hàng cháo chợ thì thu nhập 5 triệu/tháng cũng không bằng thu nhập ở nhà 2-3 triệu/tháng”, ông Ngọ nói. Như vậy, vấn đề tạo việc làm để nhân dân có thu nhập cao tại địa phương là điểm quan trọng nhất trong xây dựng NTM, để giải quyết vấn đề này chính quyền địa phương cần xây dựng đề án phát triển kinh tế. Ví dụ, với tiêu chí thu nhập, đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng vào năm 2015 thì từ nay đến đó chúng ta phải làm những gì?
Tiếp tục trao đổi với UBND tỉnh Phú Thọ trên cơ sở những suy nghĩ về mục tiêu nâng cao thu nhập của nhân dân nông thôn, ông Lê Huy Ngọ đề nghị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới tập trung phát triển kinh tế cho 6 xã điểm, lấy mục tiêu tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân ngay tại địa phương làm trọng tâm. Ngoài ra, để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể trong xây dựng NTM, ông Lê Huy Ngọ cho rằng các địa phương cần phân rõ các nhiệm vụ cho từng đơn vị. Nhiệm vụ của cấp xã là xây dựng quy hoạch, điện, đường giao thông chính, trường, trạm y tế, Nhà văn hóa xã, chợ, nghĩa trang. Nhiệm vụ cấp thôn là môi trường, trật tự trị an, đường giao thông thôn xóm, nhà văn hóa thôn. Nhiệm vụ của dân là chăm lo vệ sinh, phát triển kinh tế hộ, làm đường ngõ…
Tiếp thu ý kiến đóng góp, ông Hoàng Công Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế luôn được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đặt lên hàng đầu. Tỉnh Phú Thọ đang bắt đầu đẩy mạnh đưa cây chè xuất khẩu, ngoài ra tỉnh đã phối hợp với Viện Nông nghiệp miền núi phía Bắc để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như hồng Gia Thanh, bưởi Đoan Hùng… Đặc biệt Phú Thọ đang thúc đẩy ứng dụng khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hỗ trợ nông dân tăng năng suất, sản lượng. Khuyến khích nhân dân làm giàu trên quê hương tỉnh có chính sách phát triển mô hình kinh tế trang trại, duy trì và phát triển các làng nghề đến nay toàn tỉnh đã có 53 làng nghề và 79 trang trại theo tiêu chí mới.
Kiên Cường
Theo nongnghiep.vn