Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, động lực để xây dựng nông thôn mới

Đây được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, là động lực có sức chi phối trong việc thực hiện thắng lợi 19 tiêu chí trong XDNTM.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, động lực để xây dựng nông thôn mới

Một trong những bài học thành công trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Bạc Liêu hơn 2 năm qua là các địa phương đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)- Phó Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho rằng: Các tiêu chí luôn có sự gắn kết và bổ sung cho nhau, nhưng tiêu chí nâng cao thu nhập cho người nông dân là quan trọng nhất. Bởi chỉ có thực hiện thành công tiêu chí này mới góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí còn lại. Mặt khác, các công trình xây dựng cho nông thôn mới chủ yếu là do người dân đóng góp. Còn nguồn vốn từ Trung ương rót xuống có hạn, vì vậy không thể trông chờ hay ỷ lại vào nguồn vốn này.

Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tỉnh, qua 2 năm XDNTM, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 440 lớp đào tạo nghề cho LĐNT và thu hút trên 13.300 nông dân tham gia học nghề. Đồng thời phối hợp với các trung tâm, các trường đại học trong và ngoài tỉnh tổ chức gần 740 lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ, mô hình sản xuất mới cho hơn 22.230 lượt nông dân. Các lớp đào tạo nghề và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất trên đã góp phần giải quyết thời gian nông nhàn, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, đặc biệt là khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn tài nguyên ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT và đa dạng hóa các loại hình đào tạo đã tác động không nhỏ đến cách làm, cách nghĩ của nhiều nông dân. Đến nay, đã có gần 30 mô hình sản xuất được xếp vào hàng những mô hình cho thu nhập cao và khá bền vững như: mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng nấm rơm, nấm linh chi, mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm thâm canh; trồng cây ăn trái… Các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp nhiều hộ nông dân nghèo phá bỏ thế độc canh cây lúa và tích cực tham gia các tổ hợp tác sản xuất.

Ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) - một trong hai xã điểm của tỉnh về XDNTM, nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, chuyển giao mô hình sản xuất, nhiều nông dân của xã đã chuyển đổi tập quán sản xuất cũ, trồng giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thay cho giống lúa địa phương có năng suất thấp. Song song với đó, địa phương còn mạnh dạn ứng dụng nhiều mô hình sản xuất và thành lập 6 tổ hợp tác thu hút hơn 180 thành viên tham gia… Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của xã đạt những kết quả tốt. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là gần 21%, thì đến cuối năm 2012 chỉ còn khoảng 12%. “Kết quả này là thành công bước đầu trong XDNTM và góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án không còn hộ gia đình chính sách nghèo” - Ban Chỉ đạo XDNTM huyện Vĩnh Lợi đánh giá như vậy./.

Theo TTXVN