Đào tạo nghề cho thanh niên trong xây dựng nông thôn mới

Đào tạo nghề cho thanh niên trong xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2011, chúng ta bước vào thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2011-2020), đã xây dựng được các tiêu chí rất cụ thể, mục tiêu được đánh giá là vừa tầm có tính khả thi cao.
Trong đó, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế phải gắn với phát triển nông thôn bền vững. Sự phát triển bền vững gắn với ba trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Theo đó, đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội. Bởi thực tế hiện nay, lực lượng lao động ở nông thôn ngày càng “già hóa”. Già hóa bởi thanh niên nông thôn đại đa số li hương vào các đô thị lớn làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. 
 
Ở Nghệ An, hàng năm có khoảng trên 150.000 thanh niên rời nông thôn vào thành phố làm việc. Cứ sau Tết Nguyên đán, thanh niên lại lũ lượt “Nam tiến” để lại nông thôn vắng vẻ, chỉ còn người già và trẻ em. Về tình cảm, những thanh niên làm ăn xa không muốn rời xa gia đình, quê hương để biền biệt làm ăn nơi xứ người. Nhưng ở lại thì thiếu việc làm, nói đúng ra là có việc làm nhưng thu nhập thấp nên đành đi xa làm ăn kiếm tiền. Trong khi đó, chương trình xây dựng nông thôn mới lại rất cần nguồn lực con người, nhất là những lao động trẻ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ chân thanh niên ở lại để cùng xây dựng nông thôn mới.
 
Chúng ta cũng biết rằng, để xây dựng thành công nông thôn mới không thể dựa vào nguồn nhân lực trẻ em và người già được. Sự thành bại của chương trình Quốc gia này chính là nguồn lực thanh niên, nguồn lao động trẻ của nông thôn. Xây dựng nông thôn mới cũng là hiện đại hóa nông thôn, công nghiệp hóa nông thôn. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là hết sức cần thiết, cấp bách. Thanh niên nông thôn trở thành công nhân trên chính quê hương mình thì việc li nông mà không li hương mới hiệu quả.
 
Đề án Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã xác định: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn” (Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020). 
 
Đây là chủ trương đúng, đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên nông thôn nhưng vấn đề là đào tạo nghề phải có hiệu quả. Qua khóa đào tạo thanh nên phải có tay nghề, vận dụng những kiến thức được học vào công việc một cách có kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đồng thời trong đề án đào tạo cần chú ý đến điều kiện cụ thể từng vùng.
 
Điều kiện cụ thể ở đây chính là tiềm năng phát triển kinh tế từng vùng, đặc thù kinh tế của từng vùng khác nhau, đào tạo nên gắn với quy hoạch phát triển từng vùng, từng địa phương về công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp… Có như vậy mới phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, mới đủ sức cạnh tranh và mang tính chuyên nghiệp, sản phẩm mới có được hàm lượng trí tuệ cao.
 
Trong đào tạo nghề tránh trình trạng tràn lan, chạy đua theo số lượng, phong trào, không tính đến giá trị phát triển lâu dài, không liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng dẫn tới nơi thừa, nơi thiếu, thanh niên được đào tạo nghề xong lại làm trái nghề được đào tạo thì hiệu quả làm việc thấp, lãng phí nhân công và công việc của thanh niên cũng không ổn định.
 
Phát triển bền vững phải tính đến an sinh xã hội, mà quan trọng nhất là thu nhập của người lao động phải cao thì mới thu hút được thanh niên ở lại nông thôn, mới đạt được mục đích li nông mà không li hương. Có làm được như vậy chúng ta mới kỳ vọng vào sự phát triển nông thôn mới với một diện mạo mới mà thanh niên phải vừa là động lực vừa là mục tiêu để phát triển nông thôn mới.
Theo congannghean.vn