Đạt kỷ lục xuất khẩu, năm mới ngành rau quả mơ "giấc mơ 7 tỷ USD"
- Chủ nhật - 31/12/2017 22:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PGS-TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viên Cây ăn quả miền Nam chia sẻ, bên cạnh những loại trái cây thường được nhắc đến khi xuất khẩu như chôm chôm, xoài, nhãn… hiện nay đã có thêm một số loại củ quả xuất khẩu của Việt Nam được thị trường ưa chuộng, ví dụ như sầu riêng, bơ, mít.
Thêm nhiều “tân binh”
Những sản phẩm trái cây xuất khẩu có thể mang về 7 tỷ USD trong tương lai gần? Ảnh: T.N
XK rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch XK rau quả tháng 12.2017 ước đạt 335,862 triệu USD. Tính chung, năm 2017 XK rau quả ước đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2016. Nhận định về bức tranh XK rau, quả năm 2017, ông Nguyễn Hữu Đạt – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, ngành rau củ quả đã XK vượt lúa gạo và cả dầu khí. “Năm 2018, khi đà thị trường chưa có dấu hiệu suy giảm thì dự báo ngành rau quả sẽ đạt mức tăng trưởng như năm 2017 thậm chí là hơn” - ông Nguyễn Hữu Đạt nói. P.T |
Dù Bộ NNPTNT chưa có các số liệu về trồng và xuất khẩu (XK) mít nhưng trên thực tế, sản phẩm mít XK đang ngày càng nhiều, không chỉ ở Tiền Giang mà trải rộng ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…
Ông Châu cho rằng, nếu kiểm tra kỹ lại, con số kim ngạch XK mít năm 2017 không dưới 25 triệu USD và vẫn đang tiếp tục tăng thêm. Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, diện tích trồng mít tại các tỉnh đang tăng, dự kiến sẽ “bùng nổ” trong năm 2018, đặc biệt là giống mít Thái với năng suất cao.
Hay như chanh dây - sản phẩm đang được một số doanh nghiệp triển khai trồng với diện tích lớn. Còn tại các tỉnh Tây Nguyên, trái bơ, sầu riêng đang được nhiều nhà vườn đầu tư chăm sóc, mang lại hiệu quả không thua gì các cây trồng khác, đặc biệt thổ nhưỡng các tỉnh Tây Nguyên rất phù hợp trồng bơ.
“Trồng bơ hiện mang lại doanh thu 700 - 800 triệu đồng/ha là điều… bình thường. Trong khi sầu riêng của Việt Nam cũng đang được Trung Quốc “ăn hàng” mạnh, kéo theo giá thu mua rất cao, 100.000 đồng/kg là chuyện thường. Vì tình hình tiêu thụ tốt nên dự báo, sang năm 2018, diện tích trồng sầu riêng cũng sẽ bùng nổ, hiện giá cây giống cũng đang rất cao” - ông Châu cho biết.
Theo ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến cuối năm 2017, các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều đã mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam. Kết quả này góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tiếp cận các thị trường khác.
Lo lắng vì… năng suất cao Ông Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, việc nhiều vùng trồng cây ăn quả đạt năng suất quá cao cũng là một vấn đề đáng lo lắng. Vì năng suất càng cao thì chất lượng càng khó đảm bảo. Ví dụ như mít được trồng rất dày ở một số vườn, năng suất 40 – 50 chục tấn/ha là chuyện bình thường. Hay như chanh dây ở Tây Nguyên, nhiều nơi đặt mục tiêu 80 tấn/ha chứ không còn ở mức 60 tấn/ha như trước. Mà để đạt được năng suất này thì phải xịt thuốc BVTV nhiều. |
Cụ thể, Việt Nam đã XK được 5 loại quả tươi gồm thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài trái cây vào nhóm 7 thị trường khó tính như Mỹ, Hàn, Nhật, New Zealand, Australia, Chile, Đài Loan. Tổng sản lượng xuất khẩu 5 loại trái này trong năm 2017 hơn 10.35 tấn. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 4.572 tấn thanh long và hơn 2.681 tấn nhãn.
Tính tới cuối năm qua, trên cả nước đã có 352 mã số vùng trồng được cấp cho nông dân sản xuất thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài và vú sữa với tổng diện tích 6.355ha, sản lượng gần 155.700 tấn/năm để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Riêng với cây vú sữa, Việt Nam cũng vừa được cấp 3 mã số vùng trồng với diện tích 33ha, sản lượng khoảng 330 tấn/năm để XK sang Mỹ. Ngoài ra, cả nước có 38 nhà đóng gói đạt chuẩn, 7 nhà máy xử lý đạt chuẩn.
7 tỷ USD không ở xa!
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị XK rau quả trên 4,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng hơn 80% so với năm 2016, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD.
Dự kiến năm 2030, XK rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị XK quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập hơn 1,5 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp tiếp tục theo đuổi việc mở rộng, phát triển thị trường, đồng thời, tiếp tục duy trì các thị trường đã mở cửa, đặc biệt là Trung Quốc.
Còn theo ông Lê Văn Thiệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hỗ trợ để XK rau củ quả vào các thị trường có giá trị cao và nhu cầu khá như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đồng thời, sẽ chú trọng hỗ trợ sản xuất những loại quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có diện tích và sản lượng lớn như thanh long, xoài, nhãn, bưởi…
Mặc dầu vậy, theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa thị trường XK trái cây của Việt Nam những năm qua chưa có chiến lược, thiếu trọng điểm. Cụ thể, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện việc đàm phán mở cửa thị trường cho một số loại quả tươi của Việt Nam nhưng chưa nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, chủ yếu dựa trên đề xuất của một số doanh nghiệp. Do vậy, nhiều khi thị trường được mở nhưng doanh nghiệp không XK được, ví dụ như sản phẩm thanh long vào thị trường Chile, trong năm 2017 không xuất được trái nào (năm 2016 XK được 2,7 tấn thanh long và 0,9 tấn vải sang thị trường này).
Cũng có những thị trường quy mô nhỏ nên hàng xuất khẩu không đáng kể như xoài, thanh long đi New Zealand, hoặc thị trường xa, không cạnh tranh được với các nước khác có lợi thế hơn, như xuất khẩu vải tươi đi Mỹ. “Nếu không đánh giá, xác định được tầm quan trọng và khả năng của từng thị trường thì công tác mở cửa, vốn tốn rất nhiều thời gian và chi phí, công sức... sẽ trở nên lãng phí trong khi còn nhiều thị trường khác cần chăm sóc” - ông Thiệt nhận định.
Ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao: Còn nhiều vùng trồng cần quy hoạch Việt Nam vẫn còn rất nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển thành vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng hiện tại. Ví dụ vùng Tây Nguyên như Đăk Nông, Gia Lai có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô rau, đậu tương rau, hồ tiêu… với số lượng rất lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu.
Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang: Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tiền Giang đã đưa cây ăn quả thành một nội dung rất quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó, xác định ngành hàng xoài, sầu riêng, khóm, thanh long, mãng cầu xiêm là lợi thế trái cây để tập trung phát triển. Thuận Hải (ghi) |