'Đất thép' Củ Chi vươn mình trở thành vùng nông nghiệp chất lượng cao

Từ một vùng đất khô cằn, gánh trên mình hàng ngàn tấn bom, mìn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau 43 năm, vùng “Đất thép” Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) đã vươn lên trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp chất lượng cao của thành phố.
Với những chính sách phát triển nông nghiệp bám sát thực tế, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Được thành lập năm 2007, Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội hiện là đơn vị đi đầu về phát triển kinh tế giúp xã viên nâng cao thu nhập ở huyện Củ Chi. Ban đầu Hợp tác xã này chỉ đóng vai trò là đơn vị trung chuyển sữa bò tươi từ hộ chăn nuôi đến đơn vị tiêu thụ. Năm 2010, Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị thu mua, trong đó có Công ty cổ phần Lothamilk (Bò sữa Long Thành), Công ty cổ phần thực phẩm CMT (Bông milk).

Trồng dưa lưới trong nhà màn tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi). Ảnh: sggp
Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã Tân Thông Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thành phố hướng dẫn xã viên và người dân trong vùng thực hiện quy trình chăn nuôi, chăm sóc và khai thác sữa đạt chất lượng theo quy định. Nhằm giúp các hộ dân kiểm tra và yên tâm về chất lượng sữa tươi nguyên liệu, Hợp tác xã đã xây dựng phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sữa với các trang thiết bị hiện đại, sử dụng phương pháp phân tích theo chỉ tiêu vi sinh, lý hóa. Doanh thu của hợp tác xã phát triển mạnh qua từng năm; trong đó, doanh thu năm 2010 chỉ đạt 17,8 tỷ đồng thì doanh thu năm 2017 tăng lên đến 123 tỷ đồng.

Đặc biệt, vào năm 2017, Hợp tác xã Tân Thông Hội mạnh dạn đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi chuyên sản xuất sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống, mỗi ngày thu mua gần 2 tấn sữa tươi nguyên liệu và sản xuất khoảng 1,5 tấn sữa thành phẩm. Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp cơ khí ô tô Tp. Hồ Chí Minh tại xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) với gần 40 công nhân lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thông Hội, nhằm phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đang lên kế hoạch xây dựng hai trạm dừng chân ở xã An Nhơn Tây và Tân Phú Trung tại huyện Củ Chi, phát triển các đại lý sữa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Đồng thời, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh liên kết với các đối tác để ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa của hợp tác xã ra nước ngoài. Khi có thị trường tiêu thụ ổn định, hợp tác xã sẽ tăng sức tiêu thụ ổn định mỗi ngày lên 10 tấn sữa tươi nguyên liệu, sản xuất khoảng 8 tấn sữa thành phẩm mỗi ngày để cung cấp cho thị trường.

Trong khi đó, vườn lan Ba Được của bà Trần Thị Mỹ Trinh ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương với thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2009, từ số vốn ban đầu 90 triệu đồng, bà Mỹ Trinh mua 1.150 cây lan về trồng trên 500 m2 đất của gia đình. Năm 2010, Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho bà Mỹ Trinh thêm 1.500 cây lan giống và lan cấy mô, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh theo hướng hiện đại. Sau hơn 8 năm trồng lan, bà Mỹ Trinh đã mua thêm được 2.500 m2 và thuê 3.000 m2 để mở rộng vườn lan lên đến 6.000 m2, mua 1 xe bán tải để vận chuyển hoa lan thành phẩm.

Vườn lan Ba Được hiện trồng hơn 30.000 cây lan cắt cành giống Mokara với nhiều loại như lan vàng nến, lan hồng, lan đỏ, lan tím, lan vàng chanh. Khác với những vườn lan ở địa phương thường xây gạch hoặc ngói bao quanh luống lang với chi phí cao, trụ để giăng lưới bên trên luống lan thường cao 3,5 m. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm, tại vườn lan Ba Được, bà Mỹ Trinh đóng ống nhựa và bao lưới bên ngoài luống lan để tiết kiệm chi phí đầu tư, trụ giăng lưới được đẩy cao lên 4m để tạo không gian thoáng mát cho cây mau ra hoa.

Hiện mỗi tuần, vườn lan Ba Được cung cấp khoảng 30.000 – 40.000 cành lan cho thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 8 người dân địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu/tháng. Ngoài trồng lan, bà Mỹ Trinh còn nhận thu mua, bảm bảo đầu ra cho 28 vườn lan lớn nhỏ ở huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương, Tây Ninh để tăng số lượng lan cắt cành cung cấp cho thị trường.

Để học hỏi thêm nhiều kỹ thuật chăm sóc lan, ngoài các lớp tập huấn do xã Tân Thông Hội cũng như của huyện Củ Chi, bà Mỹ Trinh còn tham gia các lớp trồng lan do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cũng hỗ trợ bà Mỹ Trinh hình thành thương hiệu và logo vườn lan Ba Được, tạo điều kiện cho bà tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa lan tại các hội chợ nông nghiệp.

Chia sẻ về dự định phát triển vườn lan trong thời gian tới, bà Mỹ Trinh cho biết bà đang mở rộng thị trường tiêu thụ hoa lan cắt cành ra các tỉnh khu vực miền Trung, miền Bắc và tiến hành thủ tục thành lập hợp tác xã trồng lan nhằm tạo điều kiện cho các xã viên nâng cao thu nhập từ nghề trồng lan cắt cành. Bên cạnh việc cải tạo các giống lan, bà cũng sẽ đầu tư vào khâu đóng gói, dán nhãn để nâng cao chất lượng và tăng thời gian bảo quản, tiến tới xây dựng thương hiệu hoa lan Ba Được để nhiều nơi biết đến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hướng tới vùng nông nghiệp chất lượng cao

 



Không chỉ mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Tân Thông Hội hay mô hình trồng lan Mokara cắt cành Ba Được mang lại hiệu quả kinh tế cao, ở Củ Chi mà còn rất nhiều mô hình khác đang phát huy vai trò “dẫn dắt” kinh tế huyện phát triển. Điển hình như mô hình chuyển giao heo giống có nguồn gốc từ Đan Mạch thực hiện tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, mô hình sấy thực phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời tại Hợp tác xã Tương Lai…

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong thời gian qua, huyện Củ Chi đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Điển hình như mô hình sản xuất các sản phẩm sữa tươi của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội. Các mô hình trồng lan cắt cành mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Việc phân vùng trồng rau sạch, trồng lan, nuôi cá cảnh, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, phân vùng giết mổ gia súc… được thực hiện khá tốt ở Củ Chi.

Với hiệu quả kinh tế từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập bình quân đầu người huyện Củ Chi từ 40 triệu đồng/năm vào năm 2015 tăng lên hơn 46 triệu đồng/năm vào năm 2017. Huyện Củ Chi hiện có đến 22 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; trong đó, có 16 hợp tác xã nông nghiệp, 3 hợp tác xã vận tải và 3 hợp tác xã thượng mại, dịch vụ.

Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, với định hướng xây dựng huyện Củ Chi thành vùng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, huyện sẽ tập trung thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng và năng suất sữa của các đàn bò sữa. Đồng thời, phát triển bò thịt lai cao sản, phát triển mô hình chăn nuôi quy mô đàn trên 50 con tại các trang trại được đầu tư thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, huyện sẽ vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi vay, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Để phát triển kinh tế bền vững, ông Tất Thành Cang cho rằng, huyện Củ Chi cần nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất, nhất là mô hình hợp tác xã cung cấp dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế ở làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng Củ Chi. Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ, tập huấn cho người dân về tay nghề và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện Củ Chi cũng cần quan tâm đến môi trường, nhất là vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp, xử lý rác thải, nước thải và tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, đồng bộ.
 

 

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)