Dấu ấn chuỗi chăn nuôi Hà Nội: Chăn nuôi liên kết
- Thứ ba - 12/06/2018 21:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khác với chăn nuôi khép kín lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chuỗi liên kết chọn các tổ chức nông dân, chi hội/HTX/Hội tại các vùng chăn nuôi phát triển, xã trọng điểm làm trọng tâm, từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi hoàn chỉnh từ chăn nuôi đến tiêu thụ.
Để hình thành và hỗ trợ tối đa cho các chuỗi liên kết, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai các khóa đào tạo cho cán bộ kỹ thuật cơ sở về quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi. Mở 28 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tổ chức SX cho tác nhân là người chăn nuôi SX cho 600 hộ tại các huyện, thị xã. 21 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bảo quản và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi cho trên 600 lượt người tại các huyện, thị xã.
Trung tâm cũng tổ chức đoàn công tác đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị tại các tỉnh cũng như các chuỗi khép kín thành công của thành phố. Thông qua các hoạt động tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chuỗi tại các tỉnh đã giúp tạo ra sự thống nhất cao đối với các giải pháp xây dựng chuỗi tại Hà Nội đồng thời thu hút sự tham gia phối hợp chặt chẽ từ phía các đơn vị liên quan trong việc triển khai dự án.
Cụ thể, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, quy chế quản lý và phát triển ổn định cho 11 chuỗi, gồm: Gà đồi Ba Vì; Gà đồi Sóc Sơn; Gà Mía Sơn Tây; Vịt Vân Đình; Lợn sinh học Quốc Oai; Lợn sinh học Liên Việt; Thịt bò Hà Nội và sữa Ba Vì.
Có 9 chuỗi đã được Trung tâm hỗ trợ hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì; Gà Mía Sơn Tây; Gà đồi Sóc Sơn và Vịt Vân Đình. Trên cơ sở đó, đã có nhiều sản phẩm chăn nuôi Hà Nội đã chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như thịt lợn hữu cơ Tiên Linh, Thực phẩm GFP, Thực phẩm Hương Việt giúp truy xuất được nguồn gốc.
Trung tâm tập trung hướng dẫn điều kiện và trình tự xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tại các chuỗi, có trên 60 hộ chăn nuôi lợn và gia cầm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó có 4 cơ sở chăn nuôi lợn và 3 cơ sở chăn nuôi gia cầm được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đánh giá điều kiện đáp ứng an toàn thực phẩm tại các chuỗi thông qua phân tích 72 mẫu nước phục vụ chăn nuôi, giết mổ và 40 mẫu thức ăn sử dụng trong chăn nuôi tại các chuỗi, qua đó có biện pháp tác động kịp thời để đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm cho các chuỗi.
Phát triển theo hướng sản phẩm bản địa, chuỗi "Gà đồi Ba Vì" và "Gà mía Sơn Tây" có quy mô chăn nuôi thường xuyên đạt 100.000 - 120.000 con gà thịt. Hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 - 1 tấn thịt và khoảng hơn 1 triệu con giống 1 ngày tuổi/tháng. Trong đó, Hội chăn nuôi - tiêu thụ gà Mía Sơn Tây đã xây dựng một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại xã Đường Lâm để đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương đến thăm quan làng cổ Đường Lâm.
Về thủy cầm, Hà Nội hiện có chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm vịt Vân Đình với tổng đàn vịt của chuỗi 200.000 con/69 hộ, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng gần 1 tấn thịt vịt đã qua giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm. Hội Chăn nuôi vịt Vân Đình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Vịt Vân Đình”.
Với gia súc, Hà Nội hiện có chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai sử dụng 100% thức ăn phối trộn men sinh học, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 500kg thịt đã qua chế biến. Chuỗi thịt bò BBB do Cty CP Giống gia súc Hà Nội tổ chức liên kết, cung cấp ra thị trường các sản phẩm thịt bò BBB với nhãn hiệu “HLBC” và hàng năm xuất bán ra thị trường trên 20.000 con bê giống BBB.
Trong những chuỗi liên kết chăn nuôi của Hà Nội, tiêu biểu nhất là chuỗi "Gà đồi Sóc Sơn" được hình thành hoạt động “mua chung các dịch vụ đầu vào, bán chung sản phẩm đầu ra theo hợp đồng đã ký kết” từ thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y, con giống. Đối với “đầu ra”, nhờ ký kết được với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và hệ thống nhà hàng, giúp hội viên bán với giá cao hơn trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/con so với trị trường. Hiện chuỗi đã cung cấp cho thị trường mỗi ngày khoảng 950kg, trong đó 330kg gà thịt đã qua giết mổ, bao gói, hút chân không đảm bảo an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Gà đồi Sóc Sơn”. |