Đầu tư 121.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Đó là con số được đưa ra tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long mới đây.
Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảng Duy Khương
 Ngày 25/02, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tiến hành sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, trong ba năm qua tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh trên địa bàn ĐBSCL là 121.340 tỷ đồng với 1.269 xã. 

Thu nhập bình quân đầu người hơn 34,6 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 triệu đồng so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, tổng kinh phí phục vụ chương trình này là 121.340 tỷ đồng. 

Năm 2013, sản lượng lúa đạt 24,3 triệu tấn chiếm 55,6% cả nước, xuất khẩu trên 7,2 triệu tấn gạo với kim ngạch trên 3,2 tỷ USD, chiếm 92% cả nước. 

Thủy sản chiếm 70% diện tích cả nước, trong đó cá tra, tôm trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia.

Cùng với đánh giá tổng thể về kết quả sau 3 năm triển khai Chương trình, Hội nghị còn tập trung thảo luận về những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai.

Đa số đại biểu cho rằng hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch, cơ sở văn hóa, quy hoạch nông nghiệp vùng ĐBSCL chưa đồng bộ chính là “điểm nghẽn” cho phát triển kinh tế. 

Trong khi đó, nông nghiệp tuy là thế mạnh của vùng, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản) nhưng khâu chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm còn yếu kém.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An phân tích: Trong 3 năm, để 1 xã đạt được 19 tiêu chí nông thôn mới cần khoảng 300 tỷ đồng xây dựng cở sở hạ tầng, trong khi mỗi năm Trung ương chỉ hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại phải huy động người dân thì vô cùng khó khăn.

Hiện nay công nghiệp đang phát triển ở tỷ tỷ lệ rất thấp trong khi nông dân dựa vào nông nghiệp thì khó có thể tăng thu nhập từ 20 lên 30-40 triệu được. 

Vì vậy, ông Nguyên kiến nghị: Bài toán nông thôn sắp tới cần có chiến lược chuyển dần  từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Về phía ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch tỉnh An Giang thì thẳng thắn đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phân tích lại tiêu chí cho phù hợp và kiểm tra theo đúng tiêu chí không lại chạy theo bệnh thành tích. 

Theo ông Hiệp, Trung ương chưa xem nông nghiệp hóa là mũi nhọn. Doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn ít. Nếu nông nghiệp thực sự được hiện đại hóa thì giá trị đóng góp của nông nghiệp sẽ lớn hơn nhiều.

Ông Hiệp cho biết thêm, sở dĩ người dân không yêu thích nông nghiệp vì chúng ta thiếu chiến lược, nên cần được quan tâm. Không có doanh nghiệp đầu tư thì không thể hiện đại hóa nông nghiệp. 

"Thực tế đang diễn ra nếu không có doanh nghiệp thì không có cánh đồng mẫu lớn. Muốn có nhiều cánh đồng mẫu lớn phải có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết đầu vào đầu ra", ông nói. 

Nhưng chúng ta nói không có tiền, trong khi xác định hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn thì phải có nguồn vốn tập trung cho đầu tư. Đến năm 2015 An Giang có 9 xã nông thôn mới, mỗi xã cần 700 tỷ đồng, ông Hiệp phân tích.

Trường Ca
Nguồn bizlive.vn