Đầu tư chuỗi giá trị - lời giải cho nông nghiệp Việt
- Thứ năm - 01/10/2015 00:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 vừa được tổ chức tại Hà Nội, một chủ đề nhận được sự quan tâm nhiều nhà đầu tư là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Các diễn giả đến từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về thách thức, cơ hội cũng như giải pháp phát triển lĩnh vực lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Những yếu kém từ lâu
Nông nghiệp của Việt Nam hằng năm xuất khẩu hàng tỷ USD với mặt hàng chủ lực gạo, cà phê, ca cao, hồ tiêu,..tuy nhiên hầu hết đều xuất thô, không có thương hiệu. Thậm chí ngay như sản phẩm lúa gạo có thời gian dài đứng vị trí thứ nhất, thứ hai trên thế giới về giá trị nhưng giá thành xuất khẩu/ tấn thấp hơn các sản phẩm cùng loại của Thái Lan.
Theo ông Richard Gilmore – Tổng giám đốc Tập đoàn GIC – với lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 3 triệu tấn thì chênh lệch vài chục USD/tấn so với gạo của Thái Lan khiến nông dân Việt Nam thiệt hại rất lớn. Chưa kể đến trong quá trình sản xuất, người nông dân phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ thiên tại, dịch bệnh.
Chia sẻ với trăn trở của ông Richard, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Quốc Doanh cho biết gạo của Việt Nam chưa xây dựng được chuỗi giá trị, sản phẩm xuất khẩu không được chế biến. Ngành sản xuất lúa gạo nhiều năm qua mới phát triển theo chiều rộng, năng suất tốt nhưng chất lượng chưa cao nên giá thành không thể cạnh tranh với Thái Lan.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư toàn cầu, ông Sittideth Sripateth – Tổng giám đốc DuPont Việt Nam và Myanmar cho biết trong 7 quốc gia ASEAN được DuPont khảo sát về logistic, Việt Nam đứng hạng 5 ở cả khâu vận chuyển trong nội địa và xuất khẩu.
“ Khi đầu tư nông nghiệp, logistic rất quan trọng bởi thời gian là tiền bạc. Hàng hóa càng vận chuyển lâu thì tỷ lệ hư hỏng cao, từ đó khó để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.” – ông Sittideth Sripateth bình luận.
Không chỉ có vấn đề về logistic, rào cản đối với người đầu tư nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều như vấn đề an toàn thực phẩm, điều kiện gia nhập thị trường hay vốn đầu tư ngắn hạn.
Không bó tay ngồi chờ
Bất chấp những khó khăn được diễn giả chia sẻ, ông Michael Louis Rosen – Phó chủ tịch CTCP Tập đoàn PAN, người điều hành phiên thảo luận đã minh chứng một loạt sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có chất lượng cao,xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, đủ sức khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở các quốc gia khác. Như Bella Chocolate của Bibica, mật ong TracyBee của Công ty TNHH Song Quân hay gạo Ban Mai của PAN.
“ Nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển lâu dài. Quan trọng là cách thức thực hiện như thế nào?” – ông Michael Louis Rosen gợi mở.
Đồng ý với đánh giá của ông Michael, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam ông Chamnan Wangakkarangkul đối với nông nghiệp phải từ nguyên liệu thô chế biến thành sản phẩm thực phẩm sử dụng ngay. Bởi lẽ, giá của mặt hàng nông nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố không thể kiểm soát như thời tiết, dịch bênh. Khi thiếu hàng thì giá tăng, ngược lại cung vượt cầu giá lập tức giảm. Còn khi chế biến thành thực phẩm thì giá trị sản phẩm sẽ tốt hơn nhiều
“ Đầu tư sản xuất chế biến thực phẩm có thị trường ngày rộng lớn. Lý do đơn giản là đô thị ngày càng nhiều hơn, cư dân sống ở đây hàng ngày dành phần lớn thời gian cho công việc nên thời gian dành cho nấu nướng giảm đi. Do đó, thực phẩm chế biến sẵn sẽ có nhiều cơ hội phát triển” – ông Chamnan Wangakkarangkul nói.
Lấy CP làm ví dụ, ông Chamnan Wangakkarangkul cho biết ban đầu CP sản xuất thức ăn cho chăn nuôi nhưng để đảm bảo công suất tiêu thụ, từ đó giúp hạ giá thành sản xuất công ty phát triển ngành chăn nuôi. Sau đó, khi ngành sản xuất thức ăn, chăn nuôi gặp cạnh tranh thì CP đã tiến thêm bước trong chuỗi sản xuất là đầu tư chế biến thực phẩm. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của CP đã ổn định hơn, hạn chế rủi ro thua lỗ.
Cũng theo đánh giá của đại diện CP Việt Nam, sau khi Việt Nam hoàn thành ký kết các hiệp định tự do thương mại FTA với EU hay Hiệp định TPP thì thách thức đối với các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm nằm ở tiêu chuẩn. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên chính sân nhà.
Cùng quan điểm với ông Chamnan Wangakkarangkul, Tổng giám đốc GIC ông Richard Gilmore cho rằng để nông nghiệp cạnh tranh được khi Việt Nam ký kết hiệp định tự do thương mại cần có sự chung sức, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, vấn đề đào tạo trong nông nghiệp phải chú trọng hơn nữa.
“ Để hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp cần áp dụng nhiều hơn các biện pháp khoa học kỹ thuật. Nếu không được đào tạo thì rất khó triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp” – ông Gilmore kết luận
Chia sẻ với các diễn giả và hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Chính phủ Việt Nam coi nông nghiệp là trọng tâm phát triển kinh tế. Đã có rất nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông đang xây dựng nghị định riêng thu hút đầu tư nước ngoài FDI vào ngành nông nghiệp.
“Ngay như ngành sản xuất lúa gạo có chương trình thúc đẩy xuất khẩu trong đó đến 2020 có 20% gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam” – Thứ trưởng Doanh cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đặt hàng tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước về giống lúa mới đi kèm với gói kỹ thuật để cung cấp cho người nông dân nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả lãnh đạo Bộ Nông nghiệp khẳng định “ liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố mang tính quyết định, then chốt”.
Thanh Hải
theo http://ndh.vn/