Đầu tư công chậm, tại cả hai bên
- Thứ bảy - 24/06/2017 10:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức ép này không những lộ ra trong phiên chất vấn ông Dũng tại Quốc hội tuần trước mà còn âm thầm diễn ra trong suốt hơn hai năm rưỡi qua, khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2015.
Cho đến cuối năm ngoái, có vài UBND tỉnh gửi kiến nghị về bộ này xin nới lỏng các điều kiện với các dự án đầu tư công. Có tỉnh đề xuất bỏ qua bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với những dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng. Tỉnh khác lại đề nghị bỏ qua bước thẩm định nội bộ với các dự án có tổng vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng… “Chủ trương đầu tư” và “phê duyệt nội bộ” là những quy trình rất cần thiết được quy định trong Luật Đầu tư công và Nghị định 136/2015/NĐ-CP nhằm đảm bảo các bộ, ngành và địa phương đề xuất dự án cân nhắc kỹ lưỡng về mục đích, quy mô, hiệu quả và khả năng cân đối vốn, qua đó nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư và ngăn ngừa cơ chế “xin - cho”.
Sức ép này lớn đến nỗi, chỉ vài tháng sau khi nhận chức, tháng 8-2016, ông Dũng đã phải gửi công văn hỏa tốc đến tất cả chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để củng cố tinh thần tiếp tục triển khai Luật Đầu tư công mà không có sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thỏa hiệp là rõ ràng.
Bộ KH&ĐT đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã tự ý bố trí vốn “không có cơ sở” tới hơn 575 tỉ đồng cho 18 dự án trong năm 2015, năm mà Luật Đầu tư công có hiệu lực. Và ông Dũng đã phải nhận trách nhiệm tại Quốc hội tuần trước: “Chúng tôi xin nhận trách là chưa cương quyết, còn nể nang đối với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ”.
Việc chậm giải ngân vốn là thực tế. Trong năm tháng đầu năm 2017 chỉ giải ngân được 24,7% vốn đã giao, trong khi cùng kỳ năm 2016 cũng chỉ giải ngân được 21% vốn. Cả năm 2015 chỉ giải ngân được 87% số vốn. Đó là điều rất đáng để suy nghĩ.
Tình hình giải ngân ODA cũng đáng lo ngại. Trong một báo cáo gửi Chính phủ cuối năm ngoái, nhóm sáu ngân hàng, tổ chức nước ngoài đã chỉ rõ thực trạng này. Ngân hàng Thế giới có 26 dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự chênh lệch giữa số dự toán nộp cho Bộ KH&ĐT và số tiền bộ này phân bổ là trên 530 triệu đô la Mỹ. Cùng năm, ngân hàng KEXIM có 11 dự án bị ảnh hưởng bởi việc phân bổ ngân sách do chênh lệch giữa dự toán giải ngân vốn ODA và số tiền thực tế phân bổ cho các dự án là 963 tỉ đồng. Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) có ba dự án bị ảnh hưởng với con số chênh lệch là 278 tỉ đồng. Danh sách này còn có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), AFD và JICA với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Theo các đơn vị này, số dư chưa giải ngân của các dự án và các chương trình ODA ký kết từ giai đoạn 2011-2015 là khá cao, khoảng 22 tỉ đô la Mỹ.
Và việc giải ngân chậm có thể làm trì hoãn tiến độ của dự án và phát sinh chi phí. Điều này có thể “dẫn đến việc vi phạm điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế đã được ký kết”, nhóm các ngân hàng trên cảnh báo.
Đây là điều ông Dũng đặc biệt lo ngại: “Dự án ODA luôn luôn thiếu và chậm (vốn đối ứng)”. Tuy nhiên, theo các luật liên quan được ban hành theo Hiến pháp mới, các bộ và chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, các bộ, ngành và địa phương “chưa quan tâm đến vấn đề này”, nên khi xây dựng kế hoạch chưa quan tâm đến nguồn vốn ngoại. Để chứng minh, ông Dũng cho biết, kế hoạch trung hạn cho vốn ODA đã phân bổ gần xong, chỉ còn lại 12,5%. “Trách nhiệm không thuộc Bộ KH&ĐT về việc phân bổ. Tôi xin báo cáo lại với Quốc hội về quy trình của nó”, ông nói với gợi ý trách nhiệm phải là của các bộ, ngành và địa phương.
Tới đây, theo một đại diện của Ngân hàng Thế giới, việc giải ngân ODA sẽ có thể bị đình đốn do Chính phủ sẽ thực hiện cho vay lại ODA, thay vì cấp phát, xin-cho như trước, theo Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28-4-2017. Có rất nhiều điều kiện và nghĩa vụ tài chính nghiêm ngặt được đặt ra nếu các địa phương muốn được vay ODA. Đó là một thách thức. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2004-2015 có gần 29,5 tỉ đô la Mỹ chi cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có tới 92,2% số vốn được chi dưới dạng cấp phát, chỉ 7,8% vốn được cho địa phương vay lại.
Muốn tăng trưởng được thì phải giải ngân được đầu tư công, nhưng nếu giải ngân dễ dãi như trước khi có Luật Đầu tư công thì bao nhiêu hệ lụy như thất thoát, dàn trải, lãng phí... từng được nêu ra nhiều năm nay sẽ có nguy cơ lặp lại. Đó là một bài toán khó.
theo http://www.thesaigontimes.vn