Đầu tư hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn: Cần đa dạng hóa huy động nguồn lực

Theo kết quả thống kê của các ngành, địa phương, năm 2012, tổng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã gần 1.100 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới các hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn.
Đường giao thông nông thôn ở xã đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái).

Chính vì vậy, số xã có tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia Nông thôn mới tăng thêm 17 xã; số xã có tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa tăng thêm 8 xã; số xã có hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh tăng thêm 12 xã, số xã tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 10 xã… Riêng đối với hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai được 201 công trình, với tổng số trên 70km. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, có chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng, hình thành các phong trào ở khu dân cư về xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng... Điển hình như TP Móng Cái trong năm 2012 triển khai đã bê tông hoá và mở rộng đạt chuẩn được 25km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí là 28,1 tỷ đồng, trong đó: kinh phí đóng góp của người dân 18,6 tỷ đồng, chiếm gần 66%. Hay như huyện Đầm Hà đã bê tông hoá được 21 tuyến đường (dài 12km) với tổng kinh phí là 14,2 tỷ đồng, trong đó dân góp 9,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 68%... Việc bố trí lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn được các địa phương thực hiện khá linh hoạt cộng với các chính sách hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ xi măng, huy động nguồn lực từ bên ngoài, hỗ trợ vật tư, máy móc, thiết bị, cho phép doanh nghiệp ứng vốn làm trước, không tính lãi...

Thực tế hiện nay số lượng công trình, dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn ở các địa phương tương đối lớn nhưng qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn thì nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp và còn khá dàn trải, chưa có trọng điểm. Như năm 2012 nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới bố trí 500 tỷ đồng, để thực hiện 336 công trình, trong đó cho 20 công trình đã hoàn thành với tổng kinh phí là trên 10 tỷ đồng; 98 công trình dở dang từ năm 2011 với kinh phí là gần 100 tỷ đồng; số còn lại triển khai thực hiện 218 công trình với kinh phí khoảng 320 tỷ đồng. Và việc đầu tư mới chú trọng đến đầu tư phát triển giao thông, trường học, chưa chú trọng đến các công trình y tế, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hạ tầng vùng sản xuất tập trung…

Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện các địa phương đang thực hiện phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản nhưng có địa phương không phân quyền mà thực chất đó chỉ là phân công nhiệm vụ của cấp trên cho cấp dưới mà thôi. Chúng ta đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để có thể huy động được sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới như: Cơ chế đóng góp của dân tham gia xây dựng nông thôn mới (nhà nước hỗ trợ gì, bao nhiêu? nhân dân đóng góp gì, bao nhiêu? Cơ chế quản lý tài chính phần tiền đóng góp của dân…); chủ đầu tư các công trình trên địa bàn xã chưa được phân cấp cho cấp xã, vốn hỗ trợ từ nhà nước (dưới 50%) vẫn yêu cầu các thủ tục giải ngân phức tạp (lập dự án, hoá đơn, chứng từ thanh quyết toán).

Thực tế trong triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn hiện nay cho thấy cái khó không nằm ở việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước mà điều quan trọng là trong quá trình triển khai thực hiện, cần đa dạng hoá việc huy động nguồn lực như thế nào. Với việc các doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các xã triển khai thực hiện với giá trị 3 tỷ đồng, nhưng đã thúc đẩy ngân sách địa phương tham gia và huy động sự tham gia của vốn ngoài ngân sách tới 7 tỷ đồng (chiếm 70% giá trị công trình). Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức nhưng phải phù hợp với điều kiện từng xã, từng thôn như: đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của xây dựng các công trình cộng đồng, cải tạo nâng cấp nơi ở, công trình vệ sinh, cải tạo vườn, ao, sửa sang cổng ngõ...

Ngọc Lan
baoquangninh.com.vn