Đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi có bị cấm?

Sản xuất thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực có lãi nên lĩnh vực này khá hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự báo trong tương lai nguồn cung có thể vượt nhu cầu. Vì vậy, Bộ NN&PTNT không đưa ra chủ trương cấm hay không cấm mà chỉ khuyến cáo các địa phương có mật độ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cao thì nên hạn chế.

Tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 2/3, liên quan tới thắc mắc việc đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các địa phương hiện nay như thế nào, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, 100% vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp thức ăn chăn nuôi đều là vốn tư nhân, có cả tư nhân trong và ngoài nước. 

Bộ NN&PTNT không đưa ra chủ trương cấm hay không cấm

Bộ NN&PTNT không đưa ra chủ trương cấm hay không cấm 

Sản xuất thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực có lãi nên công nghệ đầu tư chủ yếu là công nghệ mới, có giá đắt và khá tốt, xuất xứ từ Mỹ, châu Âu. Vì có lãi nên lĩnh vực này khá hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự báo trong tương lai nguồn cung có thể vượt nhu cầu.

Trong quy hoạch đến năm 2020, công suất các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp là 25 triệu tấn, sản lượng thực tế là 19 triệu tấn. Tuy nhiên, đến năm 2017, các con số này đã lần lượt đạt 31 triệu tấn và 21 triệu tấn. Nhiều khu vực có mật độ xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khá cao như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Ba khu vực này đã chiếm tỷ lệ tới 80%.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, vốn đầu tư là của tư nhân. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT không đưa ra chủ trương cấm hay không cấm mà chỉ khuyến cáo các địa phương có mật độ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cao thì nên hạn chế. Khi duyệt đầu tư, các địa phương phải tính tới những yếu tố khác như môi trường, thị trường.

Lê Thuý /thoibaokinhdoanh.vn