Đầu tư nhỏ giọt, nông nghiệp vẫn mang về hơn 260 tỷ USD
- Thứ bảy - 08/09/2018 01:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ bằng 1,9% GDP
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho thấy, 10 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ đạt 632 nghìn tỷ đồng, bằng1,9% GDP và bằng 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước.
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư cho phát triển sản xuất nông lâm thủy sản là 415 nghìn tỷ đồng.
Trong 5 năm (2013 - 2017) vốn đầu tư từ NSNN cho nông nghiệp và nông thôn là 712 nghìn tỷ đồng, bằng 1,54 lần so với 5 năm trước đó.
Tính riêng nguồn vốn do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý giai đoạn 2008 - 2017 từ NSNN là 103.925 tỷ đồng, trung bình đạt 10.392 tỷ đồng/năm.
Mặc dù thời gian gần đây, số doanh nghiệp đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp đã nhiều hơn trước, một phần nhờ nông nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả cao. Dẫu vậy, nhìn chung đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất thấp so với các ngành khác.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 7.033 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng gần 3 lần so với năm 2017 song vẫn chỉ mới 1,61% doanh nghiệp cả nước.
TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp lý giải: “Sở dĩ doanh nghiệp vẫn “ngại” đầu tư vào nông nghiệp bởi hạ tầng nông thôn hiện nay còn rất thiếu, giao thông khó khăn, điện bị cắt thường xuyên, đường sắt kém phát triển, những vùng nông sản trọng điểm chiến lược chưa có đường cao tốc, chưa có các phương tiện giao thông hiện đại”.
Một khó khăn khác, theo TS. Sơn, muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi, trồng trọt đòi hỏi quỹ đất đai lớn nhưng ở Việt Nam quy mô đất đai từng hộ lại quá nhỏ (0,5/ha/hộ chia thành nhiều mảnh), chưa có cơ chế chuyển đất đai thành hàng hóa…
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Như vậy mới có cơ hội tăng thu nhập cho người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.
Còn ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội kiến nghị, vấn đề tích tụ ruộng đất cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa luật đất đai, vì khung giá đất cao khó thu hút nhà đầu tư. Thứ hai là đầu tư các trung tâm chế biến, đặc biệt là trung tâm chiếu xạ để hàng nông nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước, tăng cường xuất khẩu.
Xuất khẩu vượt mốc 260 tỷ USD sau 10 năm
Mặc dù nhận được vốn đầu tư ít ỏi từ ngân sách và doanh nghiệp, song theo đánh giá của lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương, nông nghiệp là ngành “kiên cường” nhất trong các ngành kinh tế 10 năm qua. Nhờ giữ vững trụ cột nông nghiệp, kinh tế đất nước đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Một trong những thành tích lớn nhất của nông nghiệp là xuất khẩu.
“Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD.
Xuất khẩu là điểm sáng lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam |
Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD).
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008); Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%).
Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%); Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thuỷ lợi lên trên 80%.
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt như: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5 - 4%/năm (giai đoạn 2008 - 2017 mới đạt 2,66%/năm); Tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).
Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời, Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về Đất đai (đề xuất sửa Luật Đất đai) để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn; ưu tiên nguồn lực tương xứng với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra (5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước).