Đầu tư nông nghiệp: Ngoại e dè, nội ngán ngẩm

Các vướng mắc của DN trong nước tập trung chủ yếu vào các vấn đề như đất đai, thuế, thủ tục hành chính… Sự bất nhất từ “ưu đãi chính sách trên giấy” đến “gây khó khăn khi thực hiện thực tế” đã khiến sức cạnh tranh của DN sản xuất nội địa giảm đi.

Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), trong năm 2015, NĐT từ quốc gia này đã rót 82 triệu USD vốn mới vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản. Mặc dù số vốn này khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 6% tổng số vốn FDI từ Nhật Bản trong năm qua, song theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội, con số này đã cao hơn so với năm 2014.

Như vậy, “Nhật Bản vẫn rất quan tâm tới ngành nông nghiệp Việt Nam, song còn nhiều trở ngại hiện hữu khiến NĐT Nhật chưa thể rót vốn chính thức mà mới dừng lại ở việc nghiên cứu, thử nghiệm”, ông Kawada chia sẻ.

Ảnh minh họa

Trở ngại lớn nhất đối với NĐT, theo Jetro là liên quan đến các thủ tục để có thể có được diện tích đất đủ lớn sử dụng trong nông nghiệp. Quy trình này là khó khăn phổ biến đối với các NĐT muốn rót vốn làm nông nghiệp tại Việt Nam. Theo đó họ phải làm việc trực tiếp với hàng trăm hộ nông dân sở hữu đất để mua lại quyền sử dụng đất.

Khi đã có trong tay các sổ đỏ, họ lại phải làm việc với chính quyền để thuê lại số đất này. Ông Kawada cho biết, số ít dự án nông nghiệp chính thức hoạt động được đến ngày hôm nay đều là nhờ vào chính quyền, mà trực tiếp là UBND tỉnh đứng ra giao đất sạch cho dự án.

Thực tế cũng cho thấy trên khắp cả nước, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn… đã được thực hiện, nhưng hầu như chỉ là thí điểm ở một vài mô hình. Do vậy, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho DN cũng như người dân thực hiện. Đó là trở ngại lớn không thể khắc phục trong nhiều năm nay.

Không chỉ chính sách đất đai, nhiều chính sách khác cũng đang trở thành ngáng trở đối với các dự án nông nghiệp. Điều này lý giải vì sao dù NĐT ngoại đã nhiều lần bày tỏ rất hào hứng và quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, song tới nay đa phần số dự án này vẫn ở dạng “thai nghén”. Đơn cử như chính sách thuế xuất nhập khẩu.

Tại điều 12, Nghị định 87/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đã ghi rõ đối với lĩnh vực nông nghiệp, được miễn thuế nhập khẩu với “giống cây trồng, vật nuôi được phép nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp”.

Ngoài ra thuế nhập khẩu cũng được miễn đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành chính sách miễn giảm thuế cho DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thế nhưng, theo phản ánh của chính các DN FDI trong lĩnh vực này, việc thu thuế đều áp dụng theo chính sách do Bộ Tài chính ban hành, nên DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa hề được hưởng các ưu đãi thuế này.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, thủ tục và các quy định đặt ra cho DN nông, lâm, thủy sản đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại không chỉ với DN ngoại mà ngay cả với DN trong nước.

Ông Tuấn dẫn khảo sát của IPSARD năm 2014 cho thấy gần 80% DN nông, lâm, thủy sản được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các DN đầu tư vào nông nghiệp cuối tuần qua, nhiều ý kiến bức xúc của DN đã đồng loạt được cất lên xung quanh vấn đề này. Các vướng mắc của DN trong nước cũng tập trung chủ yếu vào các vấn đề như đất đai, thuế, thủ tục hành chính… Sự bất nhất từ “ưu đãi chính sách trên giấy” đến “gây khó khăn khi thực hiện thực tế” đã khiến sức cạnh tranh của DN sản xuất nội địa giảm đi. Do đó không ít DN sau khi đã bắt tay vào làm thực tế, đến nay bắt đầu thấy nản lòng do phải cạnh tranh không cân sức.