Đầu tư nông nghiệp chưa xứng tầm
- Thứ sáu - 22/06/2012 06:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quốc hội vừa thảo luận về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung nhiều đến vấn đề nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trao đổi với NNVN, TS Phùng Đức Tiến, ĐB Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng tuy Đảng, Chính phủ đã dành nhiều quan tâm cho nông nghiệp nhưng đầu tư vào ngành kinh tế quan trọng này vẫn còn khiêm tốn. Ông Tiến cho biết: Trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc. Với nhiều thành tựu quan trọng như: tăng trưởng trên dưới 4% trong nhiều năm liên tục; năm 2011 sản lượng lúa đạt 42,4 triệu tấn, XK 7,2 triệu tấn gạo, lương thực bình quân đầu người 509kg; XK nông sản, thuỷ sản đạt 23 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2010…, có thể khẳng định, nông nghiệp đang thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy tổng khối lượng sản xuất nông sản lớn, kim ngạch XK cao, nhưng đời sống của nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thưa ông? Nông nghiệp nước ta có lợi thế so sánh lớn, tuy vậy cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như: chất lượng chuyển dịch cơ cấu, chất lượng lao động, chất lượng dạy nghề, chất lượng cơ sở hạ tầng, đời sống nông dân chưa cao, nông nghiệp tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, ô nhiễm môi trường, thiên tai dịch bệnh, chi phí đầu vào của nông nghiệp ngày càng tăng so với giá đầu ra khiến giá trị thu nhập của nông dân giảm. Đầu tư cho nông nghiệp giảm dần, năm 2010 chỉ chiếm hơn 6%. Đây chính là lý do chỉ ra rằng, mặc dù XK đạt kim ngạch cao, đặc biệt là mặt hàng gạo và thủy sản, nhưng giá trị thặng dư không lớn, dẫn đến đời sống của nông dân chưa được nâng cao đáng kể. Tại diễn đàn Quốc hội bàn về đề án tái cơ cấu kinh tế, với tư cách là ĐB của một tỉnh nông nghiệp như Hà Nam, lại trong thành phần lãnh đạo một Viện của Bộ NN-PTNT (Viện Chăn nuôi), ông đã kiến nghị gì? Thực ra, như tôi đã đề xuất nhiều lần, rằng tái cơ cấu kinh tế nên bắt đầu từ nông nghiệp, trong đó phải đầu tư cho lĩnh vực này mạnh hơn nữa. Cụ thể, tôi đề nghị Chính phủ một số ý kiến sau: Tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn theo tinh thần nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khoá X, cứ 5 năm tăng gấp đôi vốn cho nông nghiệp, nông thôn tương xứng với tỷ lệ đóng góp của khu vực này vào GDP. Thứ nữa là đầu tư cho phát triển KHCN. Hiện tại nông nghiệp nông thôn rất cần sự bứt phá để tiến tới tư duy mới, cách làm mới với quy mô và tỷ suất hàng hoá cao, theo chuỗi sản phẩm. Ngoài cơ chế chính sách thì KHCN là công cụ quan trọng nhất để tạo sự bứt phá cho phát triển. Thực tế đã chứng minh trong những năm qua lĩnh vực này đã đóng góp 35% giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nhưng đầu tư cho khoa học nông nghiệp còn quá thấp. Cụ thể kinh phí khoa học của Bộ NN-PTNT chưa bằng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (60 triệu USD), bằng 1/2 kinh phí Viện Nghiên cứu rau của Đài Loan (120 triệu USD). Với đội ngũ khoa học hùng hậu 7.500 người, trong đó 140 giáo sư, phó giáo sư, 585 tiến sỹ, 1.470 thạc sỹ, 3.511 cán bộ đại học ở 11 viện, 2 trường đại học, chưa kể lực lượng lớn các nhà khoa học nông nghiệp ở các trường đại học do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý, nếu được đầu tư đúng mức, có cơ chế phù hợp, thì sẽ huy động được nguồn lực to lớn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững. Theo ông, ngoài KHCN, thì đầu tư vào lĩnh vực nào của nông nghiệp là trọng điểm? Chính là vào việc phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020. Trong những năm qua, thuỷ sản và chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Trong cơ cấu ngành thuỷ sản, nuôi trồng đã chiếm gần 70% sản lượng, khai thác chỉ còn gần 30%. Chăn nuôi năm 2011 đạt 4,3 triệu tấn thịt, 7,2 tỷ quả trứng, trên 330 ngàn tấn sữa, giá trị ước đạt trên 12 tỷ USD, tốc độ tăng hàng năm từ 6-8%. Tiềm năng của ngành còn lớn có thể đưa tốc độ tăng trưởng lên trên 10%. “Trước bối cảnh dân số thế giới tới 7 tỷ người, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, lúa gạo là sản phẩm có lợi thế so sánh lớn của nước ta, do vậy đề nghị Chính phủ có biện pháp, cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ hơn 3,8 triệu ha đất lúa đúng theo nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII”, ông Phùng Đức Tiến. Với tiến bộ KHCN nhanh chóng trong lĩnh vực di truyền chọn giống của thế giới, thì để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trước hết phải có giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao. Mặc dù vậy trong thời gian qua, rất nhiều dự án giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản không được bố trí vốn, thiếu vốn tuy đã phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Để có tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp, đề nghị Chính phủ bố trí đủ vốn cho chương trình giống, đồng thời cân đối cơ cấu đầu tư giữa thuỷ lợi với các lĩnh vực khác. Có một thực tế là, lĩnh vực nông nghiệp càng tăng trưởng cao, thì tỷ lệ thu hút đầu tư vào đây lại càng thấp. Ông lý giải thế nào về vấn đề này? Theo tôi, nông nghiệp tuy tăng trưởng cao, nhưng nhiều rủi ro. Vì thế, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 61 (4/6/2010) tạo môi trường thuận lợi thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, kinh tế nông thôn, giảm áp lực đầu tư ngân sách hiện đang dàn trải hiệu quả chưa cao. Sửa đổi nghị định 41/2010 tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất vay vốn, cân đối đáp ứng chu kỳ sản xuất. Xin cảm ơn ông! Theo nongnghiep.vn |