Đầu tư thực phẩm hữu cơ: Miếng bánh khó xơi hay sự cô đơn của doanh nghiệp?

Khi cuộc chiến với thực phẩm bẩn ngày càng nóng, tưởng như thực phẩm hữu cơ, một loại sản phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất, sẽ lên ngôi, kéo theo cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhưng câu chuyện về sự thoi thóp của doanh nghiệp đặt nền móng cho thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam - Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Viễn Phú - cho thấy, thị trường này có quá nhiều rủi ro.

Kiệt sức

Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Viễn Phú (Viễn Phú) lại rao bán 320 ha trồng lúa, thủy sản, rau, dược liệu hữu cơ tại Cà Mau. Cách đây 5 tháng, vào tháng 6/2016, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc của Viễn Phú đã chia sẻ thông tin này.

Có vẻ như ông Khải và Viễn Phú không còn đủ cả kiên nhẫn và nguồn lực với tâm huyết mà ông từng gọi là tài sản lớn nhất của đời mình. Ông nói, Viễn Phú vẫn cố sản xuất cầm chừng, chứ không dừng lại, để hy vọng tìm kiếm các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài chia sẻ giấc mơ chưa trọn với thực phẩm hữu cơ.

Cánh đồng 320 ha được đầu tư để trồng các giống lúa giá trị dĩnh dưỡng cao, theo mô hình hữu cơ đang được Viễn Phú rao bán.
Cánh đồng 320 ha được đầu tư để trồng các giống lúa giá trị dĩnh dưỡng cao, theo mô hình hữu cơ đang được Viễn Phú rao bán.

“Tôi kỳ vọng sẽ kiếm được các nhà đầu tư nội để đi cùng con đường này. Nếu không, có lẽ tôi phải bán đứt cho nhà đầu tư nước ngoài, tìm cách gây dựng khác cho thực phẩm hữu cơ mà tôi vẫn tin là rất có nhiều cơ hội phát triển”, ông Khải nói.

Nói về thực phẩm hữu cơ, ông Khải không phải là người đầu tiên ở Việt Nam khai phá thị trường, nhưng là người đầu tiên đưa sản phẩm made in Vietnam – gạo Hoa Sữa - đạt được chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế BIO Organic (Hoa Kỳ) vào năm 2010, chỉ 1 năm sau khi bắt tay vào xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm hữu cơ. Chứng nhận này đang được coi là cao nhất về an toàn thực phẩm trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, cũng mới có mô hình sản xuất gạo Hoa Sữa của Viễn Phú đạt được chứng nhận này.

Có nghĩa là Viễn Phú đã không chỉ làm tốt, mà còn khai thác rất tốt cơ hội phát triển dòng thực phẩm sạch – cụ thể là gạo hữu cơ ngay tại cái nôi của lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Không những thế, với chứng nhận này, sản phẩm thực phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bắt đầu ghi dấu ấn tốt trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, việc Viễn Phú buộc phải chọn cách dừng giữa đường là điều rất đáng phải bàn kỹ.

Nhìn lại chặng đường của Viễn Phú và thương hiệu chủ lực là gạo hữu cơ Hoa Sữa, cách đi khá bài bản. Năm 2009, ông Khải bắt đầu nghiên cứu thị trường, xác định thực phẩm hữu cơ sẽ là xu thế của cả thế giới, chứ không chỉ Việt Nam. Đây chính là cơ hội để Viễn Phú được thành lập và chọn phát triển cho dòng sản phẩm thực phẩm sạch.

Bản thân ông Khải sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở Hậu Giang, nên ông nằm lòng cả sự yếm thế của lúa gạo và cây trái miền Tây Nam bộ trên thị trường quốc tế cũng như con đường sẽ phải đi nếu muốn phát triển tiếp tục. Đây là lý do ông bắt tay vào khai hoang 320 ha đất hoang vu, không đường bộ lẫn đường sông… với số tiền khoảng vài triệu USD, bỏ ngoài tai nhiều lời ngăn cản.

Năm 2010, hàng chục loại gạo chứa nhiều dược tính và đủ màu sắc chính thức được gieo. Đây là các giống gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng đạm từ 10% đến 12% với 16 loại axit amino, riêng lisine cao gấp 3-4 lần gạo thường và nhiều vitamin B1, B2, phosphor, kẽm, sắt và nhiều vi chất khác.

Cho đến trước khi tuyên bố rao bán 320 ha trồng gạo hữu cơ vào tháng 6 năm nay, mỗi năm, Viễn Phú cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn gạo, xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh, Singapore… Đã có thời điểm nông trại của Viễn Phú thu hút vài trăm nhân viên làm việc.

Tuy nhiên, tình hình trở xấu khi đơn hàng nhiều, nhưng Viễn Phú không thể đáp ứng do cơ sở hạ tầng không đủ. Việc phải từ chối đơn hàng ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ các kế hoạch kinh doanh mà cả uy tín thương hiệu của doanh nghiệpnày. Hiện tại, Viễn Phú đang để lại vài nhân viên, hoạt động cầm chừng.

Nói về việc này, ông Khải đau xót chia sẻ: “Viễn Phú đã dốc toàn bộ vật chất – tinh thần làm một cái xe thật đẹp, chạy thử tốt, được kiểm định và chứng nhận bởi hàng loạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, nhưng lại hết tiền để mua xăng cho nó chạy về đích”.

Bi kịch của sản xuất thực phẩm sạch?

Đã có câu hỏi rằng, phải chăng, lý do Viễn Phú phải dừng cuộc chơi quá sớm là do người dẫn đầu của Viễn Phú đã quá chủ quan trong thị trường cạnh tranh gay gắt? Ngay cả việc chưa tìm kiếm được đối tác phù hợp trong suốt 3 tháng qua cũng có thể phần nào phản ánh được điều này?

Trên thực tế, trong kinh doanh, đã có khá nhiều trường hợp thất bại do việc xác lập mong muốn, tâm huyết không ăn khớp với các chiến lược kinh doanh, các điều kiện thị trường cụ thể.

Nhưng, với trường hợp của Viễn Phú, tình hình có vẻ không hẳn đã như vậy. Vì cho đến giờ, Công ty vẫn có sản phẩm có thể cạnh tranh, có thị trường tốt, số đối tác tìm đến để mua lại dự án này cũng không phải ít. Nghĩa là chiến lược kinh doanh và cách thực thi của Viễn Phú khá ổn.

Ông Khải cho biết, trước khi bắt tay vào thực hiện dự án này, ông đã nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thực phẩm hữu cơ. “Tôi đã tính, với lĩnh vực thuộc loại hình đặc biệt ưu đãi khuyến khích đầu tư trong ngành nông nghiệp, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 1,5 triệu USD, tôi dự tính sẽ vay thêm khoảng 1,5 - 2 triệu USD. Số vốn vay này sẽ đủ để đầu tư mở rộng sau khi các mô hình sản xuất thử nghiệm đã cho kết quả tốt. Nhưng, tôi đã không tiếp cận được đồng vốn nào từ ngân hàng. Lý do mà các ngân hàng từ chối là dự án của chúng tôi rủi ro, không đủ điều kiện và không giải thích gì thêm. Đây là điều tôi đã chủ quan không tính tới”, ông khải thừa nhận.

Như vậy, tính đến ngày 31/5/2016, tổng số tiền mà Viễn Phú đầu tư cải tạo hạ tầng ở dự án này vào khoảng 82 tỷ đồng, tất cả đều là Viễn Phú tự thân vận động. Nỗi lo cho dự án tới đây cũng như việc khó quyết định trong lựa chọn đối tác mua dự án bắt nguồn từ chính yếu tố này.

“Tôi đã mất 7 năm để theo đuổi, đầu tư mô hình sản xuất hữu cơ, gây dựng được thương hiệu và có thị trường, nhưng vẫn không thể tồn tại được do không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, do các cơ quan quản lý nhà nước vẫn nghi ngờ các dự án này là rủi ro cao. Vậy thì có doanh nghiệp, nhà đầu tư nào đủ tin tưởng để cùng với tôi đi trên con đường toàn rủi ro này không, hay họ chỉ mua lại cơ sở của chúng tôi rồi tìm cách làm như cũ, vì lý do lợi nhuận là quan trọng?”, ông Khải chia sẻ tâm tư.

Không phải vô cớ mà ông Khải thất vọng đến vậy. Các chính sách cho thực phẩm hữu cơ cho đến giờ vẫn mơ hồ. Đơn cử tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ - dù được ban hành cả 10 năm (với Quyết định 4094/2006/QĐ/BNN-KHCN), nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho việc cấp giấy chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, chế biến và các đối tượng quan tâm khác thực hiện. Hiện nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ chi phí lớn để đăng ký với Tổ chức Control Union để được cấp chứng nhận hữu cơ, như cách Viễn Phú hay Tập đoàn TH đã làm. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn bỏ quá nhiều chi phí cho các thủ tục này. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp nội địa không đi đến đích trong nỗ lực gây dựng thương hiệu sạch cho nông sản – thực phẩm Việt.

Ông Khải gọi đây là “bi kịch” của ông và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch. Chìa khóa để tháo gỡ lại không chỉ nằm trong tay các doanh nghiệp.

Hiện tại, Viễn Phú vẫn đang đợi người cùng chí hướng, chấp nhận nhiều rủi ro để đi tiếp con đường mà  thương hiệu gạo Hoa Sữa đã khởi đầu tốt đẹp.

Hồng Phúc
http://baodautu.vn/