Đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp

Hiện cả nước có 17.992 máy gặt lúa các loại

Hiện cả nước có 17.992 máy gặt lúa các loại

Quá trình đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, chế biến nông sản đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này
Để đạt mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến nông sản giai đoạn 2010-2015, cả nước cần trang bị mới hơn 7 triệu động cơ, máy kéo, máy tuốt lúa, lò sấy có động cơ, máy xay xát và gần 8,7 triệu máy bơm nước, máy chế biến thức ăn gia súc thủy sản, cưa xẻ gỗ, xe tải nông thôn… Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo đội ngũ kỹ thuật cơ khí có trình độ trung cấp và đại học cũng rất lớn. Đây chính là những cơ hội cho các doanh nghiệp, đơn vị, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
Cả nước hiện có gần 500.000 máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp với tổng công suất trên 5 triệu mã lực, 580.000 máy tuốt đập lúa, 17.992 máy gặt các loại… Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11.424 máy gặt các loại. Cơ giới hoá trong nông nghiệp chủ yếu ở khâu làm đất cây hàng năm, tập trung cây lúa, tuốt (tuốt lúa đạt 95%), vận chuyển và xay xát lúa gạo (xay xát lúa gạo đạt 95%). Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác có mức độ cơ giới thấp, chủ yếu là lao động thủ công. Trang bị động lực trong sản xuất nông nghiệp chỉ đạt bình quân 1,3 mã lực (CV)/ha canh tác. Trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,06 CV/ha…
Để khắc phục hạn chế này và thu hút đầu tư nâng cao năng lực cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ ngân sách địa phương, các ban, ngành đang triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Theo Baodautu