Đẩy mạnh chuỗi liên kết hỗ trợ người nuôi tôm
- Thứ năm - 23/08/2018 10:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liên kết chuỗi và thị trường hỗ trợ nuôi tôm
Tại buổi đối thoại, ICAFIS đã giới thiệu những thành quả của Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam (SusV) sau 2 năm thực hiện.
Được biết, Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam” (SusV) trị giá 2,5 triệu Euro do Liên Minh châu Âu (EU) tài trợ, thực hiện tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong 4 năm. Từ quý II/2016, Tổ chức Oxfam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) cùng các đối tác chính thức khởi động dự án này.
Đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế đã tham dự buổi hội thảo
Ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) cho biết. mục tiêu tổng thể của SusV là đóng góp vào sự phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam thông qua việc cải thiện các tác động xã hội và môi trường của sản xuất và chế biến tôm.
“Hai năm qua, SusV đã góp phần giảm tác động xã hội và môi trường của nuôi trồng, chế biến tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần hỗ trợ người sản xuất và chế biến tôm quy mô nhỏ có thể tiếp cận hiệu quả nguồn tài chính và cải thiện hiệu quả sản xuất. Qua dự án này, người sản xuất tôm quy mô nhỏ được trao quyền để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Cuối cùng, SusV cũng góp phần hỗ trợ việc chính sách tín dụng của Chính phủ hướng tới người sản xuất tôm và thủy sản sẽ quảng bá chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và được thiết kế một cách hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển của chuỗi giá trị tôm”, ông Lập chia sẻ.
Đề xuất nông dân liên kết với nhà máy
Ông N.V Khởi (hộ nuôi tôm) cho biết: “SusV và liên kết chuỗi và thị trường là cơ hội giúp cho nông dân nâng cao vị thế cho các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tôi mong muốn các tổ chức hỗ trợ việc kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng, nhấn mạnh vai trò của khâu trung gian để kết nối sản phẩm tới người tiêu dùng; cung cấp sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, bà con an tâm sản xuất sản phẩm chất lượng với năng suất ổn định”.
Ông Mai Văn Đấu (hợp tác xã Toàn Thắng – Sóc Trăng) chia sẻ: “Khó khăn của người dân nuôi tôm hiện nay là việc tiếp cận vốn, cách thức huy động. Việc vay vốn của ngân hàng trong tín chấp và thế chấp (nợ đọng vốn cao tại ngân hàng, các đại lý giống, thức ăn…) còn nhiều khó khăn. Vì thế, tôi đề xuất cần tạo liên kết để có thể huy động vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau như doanh nghiệp, đại lí".
Khách quốc tế cũng tham gia trao đổi, thảo luận về vấn đề liên kết chuỗi nuôi tôm
Đại diện một hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu đề xuất cần tạo chuỗi liên kết tạo thuận lợi cho bà con, hạn chế các chi phí trung gian. Tạo điều kiện cho nông dân liên kết trực tiếp với các nhà máy để giảm chi phí các khâu trung gian/thương lái...
Ông Ngô Công Luận (Hợp tác xã 14/2 Hòa Nhờ) chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi kiểm soát chất lượng tôm giống và giảm giá đầu vào. Thức ăn nuôi tôm, chúng tôi liên kết với công ty CC Vina cung cấp bằng với giá đại lý cấp 1. Bên cạnh đó, chúng tôi liên kết với công ty đầu ra là VinaCleanfood giá bán tôm cao hơn thị trường 2000 - 3000 đồng. Từ đó, tôi đánh giá rằng người dân cần liên kết chặt chẽ trong chuỗi, đặt biệt là liên kết với nhà máy, doanh nghiệp thu mua để thuận lợi hơn, nuôi trồng hiệu quả hơn".