Đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa
- Thứ năm - 09/07/2015 03:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước đây, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Sóc Trăng chỉ tập trung ở khâu làm đất, còn khâu thu hoạch và xử lý sau thu hoạch phần lớn làm thủ công, gây thất thoát khá lớn, làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận. Theo thống kê, tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long là 12,7%, trong đó ba công đoạn cắt, gom, tuốt đã gây thất thoát khoảng 5,1%. Theo tính toán, năm 2011, với sản lượng lúa đạt hơn 2 triệu tấn, thì riêng ba công đoạn cắt, gom, tuốt, Sóc Trăng đã thất thoát hơn 108 nghìn tấn lúa, tương đương 540 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lao động thời vụ khi thu hoạch lúa ngày càng thiếu hụt trầm trọng.
Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chung tay cùng nông dân thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH nhưng phần lớn nông dân không đủ khả năng đầu tư mua máy GĐLH với giá hàng trăm triệu đồng. Theo Quyết định số 63 ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình được vay mua máy móc, thiết bị có giá trị sản xuất trong nước hơn 60%, được vay vốn tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa; ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu, từ năm thứ ba là 50% nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, qua hai năm triển khai Quyết định số 63, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có hai trường hợp vay vốn mua máy GĐLH có giá trị sản xuất trong nước hơn 60%. Qua khảo sát thực tế cho thấy, điều kiện để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phải thỏa mãn tiêu chí quy định của Quyết định số 63 nhưng những thiết bị, công nghệ sản xuất trong nước không được nông dân Sóc Trăng lựa chọn, vì liên quan đến độ bền vật liệu, tính đồng bộ của thiết bị, thương hiệu hàng hóa... Nông dân thuê máy để cắt lúa thích chọn máy có tính năng kỹ thuật cao như: gặt nhanh, ít hao hụt, ít lẫn tạp chất, máy ít bị hư hỏng khi đang làm việc. Do vậy, phần lớn nông dân chỉ có nhu cầu đầu tư máy có công nghệ nhập nội tiên tiến, có công suất làm việc cao, thu hồi vốn nhanh, khả năng sinh lời cao.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 820 ngày 7-9-2011 phê duyệt Dự án "Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015", nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2015, đưa diện tích thu hoạch bằng máy GĐLH đạt 90% số diện tích gieo trồng; giảm tổn thất khâu thu hoạch lúa, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Theo đó, dự án hỗ trợ đầu tư 250 máy GĐLH, có tỷ lệ nội địa hóa không bảo đảm đủ điều kiện để hỗ trợ theo Quyết định số 63; Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho vay tối đa 70% giá trị máy; ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất hai năm đầu. Từ khi triển khai dự án đến nay, các máy GĐLH nhập ngoại đều hoạt động tốt, ít hỏng hóc, công nghệ máy phù hợp với đồng đất Sóc Trăng, nông dân rất ưa chuộng. Ông Lý Hon, nông dân xã Viên Bình, huyện Trần Đề cho biết: "Khi thu hoạch bằng máy GĐLH, nông dân tiết kiệm chi phí thuê mướn từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/ha. Lúa thu hoạch bằng máy GĐLH có chất lượng tốt, hạt lúa khô ráo, sáng mầu, ít lẫn tạp chất nên bán được giá cao hơn lúa cắt thủ công từ 100 đồng đến 150 đồng/kg". Từ những lợi ích trên giúp nông dân thu hoạch lúa bằng máy GĐLH có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, người đầu tư trang bị máy GĐLH làm dịch vụ, với mỗi năm thu hoạch bình quân 300 ha cũng thu được lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm. Nếu thu hoạch bằng máy GĐLH thì mức độ hao hụt xấp xỉ 2%, giảm được 3,1% so với thu hoạch thủ công, nông dân Sóc Trăng sẽ có thêm khoảng 65 nghìn tấn lúa/năm, tương đương 325 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện dự án này mà Sóc Trăng đã nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy GĐLH trên địa bàn tỉnh từ 15% năm 2010 lên 90% vào cuối năm 2013. Riêng diện tích lúa vụ đông xuân thu hoạch bằng máy GĐLH đạt hơn 99%. Từ hiệu quả thực tế ở Sóc Trăng và một số nơi khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng kết, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68 ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, thay thế Quyết định số 63 và Quyết định số 65 ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Hiệu quả thiết thực của Đề án hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH ở Sóc Trăng càng có ý nghĩa hơn khi ngành sản xuất lúa gạo đang chịu áp lực cạnh tranh cao trên thị trường. Thu hoạch bằng máy GĐLH không chỉ giảm phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng lợi nhuận cho nông dân mà còn góp phần rất lớn vào việc nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Đỗ Minh và Duy Sự
Theo: nhandan.com.vn