Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
- Thứ năm - 06/02/2020 02:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, ông Piayong Jriyasetapong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG cho biết, Tập đoàn SCG là một trong những Tập đoàn lớn có trụ sở chính tại Thái Lan, hoạt động kinh doanh từ năm 1913 tập trung vào lĩnh vực vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu và cung cấp bao bì. Tại Việt Nam, SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 1992 và đến nay đã có hơn 22 công ty con với hơn 8.600 nhân viên. SCG hiện đang có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó lớn nhất là dự án lọc hóa dầu Long Sơn tại thành phố Vũng Tàu. Trong quá trình phát triển, Tập đoàn SCG luôn chú trọng định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Thái Lan trong nhiều năm qua. Tại các nhà máy của SCG, từ năm 2012 đã không có chất thải chôn lấp. Các chất thải rắn được tái chế thành viên nén năng lượng để sử dụng trong các nhà máy xi măng hoặc phát điện. Khi đầu tư dự án lọc hóa dầu Long Sơn tại Việt Nam, Tập đoàn sẽ định hướng sẽ xây dựng và phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Piayong Jriyasetapong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG phát biểu tại buổi làm việc
Đánh giá cao sự quan tâm của Tập đoàn SCG đối với các vấn đề môi trường của Việt Nam, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Thái Lan và Việt Nam là 2 nước láng giềng cùng khối Asean, với nhiều điều kiện tương đồng, Thứ trưởng mong muốn doanh nghiệp của 2 nước cùng hợp tác, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, “Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang ở trong thời kỳ chuyển đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế - xã hội – môi trường. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam sẽ thể chế hóa các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Trong đó, luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có ưu thế về vốn, công nghệ cao, đảm bảo môi trường, tối đa hóa lợi ích từ chất thải. Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các sản phẩm tái chế, gắn với kinh tế tuần hoàn”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng đề nghị, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn ở dự án lọc hóa dầu Long Sơn cần tính đến các sản phẩm sau hóa dầu đáp ứng yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, với khí thải, nước thải phải được xử lý tuần hoàn. Chất thải rắn sau quá trình sản xuất phải được thu hồi, tái sử dụng, tạo ra giá trị mới. Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn ở dự án lọc hóa dầu Long Sơn của Tập đoàn SCG có thể là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp và tập đoàn khác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Toàn cảnh cuộc làm việc
Thứ trưởng giao Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tập đoàn SCG để xây dựng và vận hành “Mạng lưới Đối tác công tư về chất thải nhựa Việt Nam” dựa trên kinh nghiệm triển khai mạng lưới đối tác công tư về chất thải nhựa của Thái Lan. Năm 2020, giao cho Viện phối hợp với Tập đoàn SCG và các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý các nhà sản xuất trong và ngoài nước thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, có công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó cùng thống nhất để đưa ra các kiến nghị, đề xuất về nội dung kinh tế tuần hoàn trong sửa Luật Bảo vệ môi trường, cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm