Đẩy mạnh phong trào thể thao ở cơ sở
- Thứ tư - 21/02/2018 04:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tinh thần thể thao ở Hữu Bằng
“Xã Hữu Bằng là một điển hình trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thạch Thất nói riêng, TP Hà Nội nói chung. Người dân toàn xã nỗ lực phát triển kinh tế, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng/người/năm, có gia đình thu nhập hàng tỷ đồng. Song song với phát triển kinh tế, lãnh đạo xã đã khéo léo xây dựng phong trào TDTT để thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia. Xã đông dân, nhiều lao động từ các địa phương khác nhưng rất hiếm tệ nạn. Người dân không những có cuộc sống ổn định về kinh tế mà luôn sống trong bầu không khí hài hòa, sôi nổi. Đó chính là NTM đã hiện hữu, Hữu Bằng hoàn toàn xứng đáng được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017”. Chi Cục trưởng Chi Cục PTNT Hà Nội LÊ THIẾT CƯƠNG |
Những ngày này, ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) lúc nào cũng nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Hữu Bằng nổi tiếng về đồ gỗ và nghề mộc cũng đã gắn bó với người dân nơi đây từ rất lâu đời. Chính nhờ nghề mộc và các dịch vụ kinh doanh mà Hữu Bằng được mệnh danh là xã có nhiều cái “nhất”: Bé nhất mà đông dân nhất, giàu nhất, nhiều ô tô nhất... Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng hơn cả là tinh thần thể dục, thể thao của người dân. Chủ tịch UBND xã Phan Lạc Trường khẳng định: “Ở Hà Nội hiếm xã nào phong trào thể thao lại mạnh như Hữu Bằng. Người dân đa số làm kinh doanh nhưng dù bận bịu đến đâu cũng luôn dành thời gian để tổ chức và tham gia các hoạt động của xã, đặc biệt là thể thao, vừa nâng cao sức khỏe vừa thúc đẩy tinh thần đoàn kết”.
Môn thể thao nào ở Hữu Bằng cũng có đội tuyển thi đấu nhưng mạnh nhất vẫn là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, võ thuật. Cứ vào dịp Quốc khánh 2.9 hay đầu năm mới, xã lại tổ chức các giải thi đấu thể thao. Hiện nay, mỗi môn thể thao xã có 9 đội ở 9 thôn, chưa kể đội tuyển “nòng cốt” của huyện cũng được tuyển chọn ở Hữu Bằng. Bên cạnh đó, xã còn có CLB võ thuật VOVINAM, Thái cực quyền với hàng trăm học viên. Chủ tịch UBND xã cho biết, năm nào xã cũng dành 60 - 80 triệu đồng cho hoạt động thể thao; nguồn xã hội hóa, vận động DN ủng hộ và người dân đóng góp lên đến hàng tỷ đồng.
Trên địa bàn xã hiện có sân bóng nhân tạo của gia đình anh Nguyễn Đình Thực. Theo anh Thực, phong trào bóng đá của xã Hữu Bằng rất mạnh. Ngoài 9 đội tuyển của 9 thôn thì giải nào Hữu Bằng cũng có một đội khách mời, có thể là các cầu thủ chuyên nghiệp về giao lưu, cũng có thể là đội của các doanh nghiệp trẻ. Mỗi ngày, sân bóng có 3 - 4 trận đấu trở lên, các đội phải đặt lịch trước mới có sân đá.
Cụ Nguyễn Mạnh Hiến (thôn Đông) phấn khởi cho hay, từ ngày nhà văn hóa được xây dựng, người dân có chỗ vui chơi, giải trí. Thanh niên thì bóng đá, bóng chuyền, người già, phụ nữ chơi bóng chuyền hơi, các cháu nhi đồng cũng được tổ chức giải bóng đá. Mỗi mùa giải, hàng trăm, hàng nghìn người đến sân cổ vũ. “Các cháu thanh, thiếu niên theo nghiệp thể thao rồi trưởng thành cũng nhiều. Điển hình là Văn Quyết được vào đội tuyển bóng đá quốc gia, nhiều cháu thiếu niên đã được tuyển thẳng vào các CLB thể thao lớn trong nước. Theo quy hoạch tới đây sẽ xây dựng Khu Liên hợp thể thao xã, khi đó phong trào thể thao sẽ càng sôi nổi hơn”.
Sân bóng nhân tạo trên địa bàn xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất | Ảnh: Đào Cảnh |
Giảm tệ nạn, tăng hiệu quả công việc
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương khá tâm đắc với tư duy “phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm nhu cầu tinh thần” ở xã Hữu Bằng. Ông cho rằng, khi kinh tế phát triển thì sức ép đối với người dân càng cao, đặc biệt là thanh niên. Nếu không có phương án để giảm căng thẳng thì rất dễ dẫn đến tệ nạn xã hội. Phong trào thể thao ở cơ sở không chỉ giúp nâng cao sức khỏe của các thế hệ mà còn là cách để các địa phương tạo dựng môi trường sống lành mạnh, đoàn kết. Từ đó, chắc chắn các phong trào của địa phương cũng phát triển.
Theo quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, TP Hà Nội xác định sẽ tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng lối sống lành mạnh, đặc biệt ở thanh - thiếu niên; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, tăng cường mời gọi các nguồn lực đầu tư cho TDTT. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 41 - 42% dân số; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 30 - 35% tổng số hộ; số câu lạc bộ thể thao đạt trên 3.500 câu lạc bộ.
Điều đáng mừng, Hà Nội đang là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM. Việc gắn xây dựng NTM với phát triển phong trào thể thao ở cơ sở đã góp phần không nhỏ hiện thực hóa mục tiêu phát triển phong trào TDTT của thành phố. Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương cho hay, gắn với quy hoạch và các tiêu chí xây dựng NTM, hầu hết các xã trên địa bàn thành phố đều đã quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa - TDTT. Hầu hết các xã khi đạt chuẩn NTM đều được đầu tư để xây dựng thiết chế phục vụ hoạt động TDTT ở cơ sở. Đây là một điều kiện hết sức cơ bản để thể thao phong trào ở cơ sở từng bước phát triển.
Theo Đào Cảnh/daibieunhandan.vn