Dạy nghề chăn nuôi gà
- Thứ ba - 05/03/2013 04:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
30 học viên đã học nghề trong vòng 3 tháng với nội dung chương trình gồm 5 mô đun: Nuôi gà thịt công nghiệp, nuôi gà sinh sản công nghiệp, nuôi gà thả vườn, phòng trị bệnh cho gà, ấp trứng gà nhân tạo với tổng số 108 tiết lý thuyết; 332 tiết thực hành; tổ chức tham quan hội thảo 5 buổi. Sử dụng tài liệu được phê duyệt tại QĐ số 539/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/4/2012 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Phương pháp giảng dạy bao gồm thuyết trình, thảo luận nhóm, tham quan hội thảo, tư vấn trả lời câu hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy lồng ghép kết hợp giữa lý thuyết, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách chặt chẽ. Giảng viên có trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y, có kỹ năng sư phạm và chứng chỉ sư phạm nghề được Trung tâm KN-KN lựa chọn.
Học viên phần lớn là hội viên thuộc CLB chăn nuôi gà của xã và các hộ nuôi ở quy mô trang trại với số lượng lớn, nội dung bài học phù hợp, thiết thực với nhu cầu nên họ đều tự nguyện, tích cực tham gia nhiệt tình đầy đủ, ham học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện tốt nội quy của lớp đề ra.
Kết thúc khóa học, 100% số học viên hoàn thành thời gian yêu cầu (trong đó có 7 học viên thuộc đối tượng chính sách), không có học viên bỏ học. Số học viên đạt khá, giỏi: 23 người bằng 76,7% tổng số học viên. Số học viên đạt trung bình: 7 người bằng 23,3% tổng số học viên. Không có học viên không đạt, lớp học đạt mục tiêu ban đầu về kiến thức, kỹ năng đề ra.
Lớp học được các cơ quan theo dõi giám sát đánh giá cao về mục tiêu, hình thức đào tạo, cách tổ chức, nội dung chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy, kết quả học tập cũng như sự chấp hành tốt nội quy của học viên.
Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc nhất định đó là quy định số lượng học viên/lớp (30 người là không phù hợp vì thực tế có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc từng nghề), thời gian học tương đối dài, nội dung một số mô đun chưa thiết thực với thực tế (học viên quan tâm chủ yếu là nuôi gà thả vườn và phòng trị bệnh), các hộ cận nghèo không được hưởng chế độ, sau khi học xong cơ hội làm việc ở các công ty trang trại lớn là không có (hầu hết là phục vụ cho chăn nuôi tại gia đình).
Để lớp học nghề đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao và phù hợp với nhu cầu của nông dân, Ban Tổ chức lớp học rất mong các ban ngành có thẩm quyền xem xét thay đổi, giải quyết một số vướng mắc trên. Đồng thời UBND cấp xã cần phối kết hợp tuyên truyền sâu rộng hơn nữa mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người dân hiểu và tích cực tham gia.
Học viên cũng mong các ban ngành tạo mọi điều kiện giúp đỡ để họ có được công việc và thu nhập ổn định. Cụ thể quy hoạch vùng chăn nuôi gà tạo sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, tiếp tục xây dựng các mô hình nuôi gà an toàn sinh học, thông tin quảng bá xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, SX cung ứng giống. Chú trọng công tác phòng dịch và vệ sinh thú y bảo vệ môi trường, xây dựng và theo dõi giám sát chặt chẽ việc tuân thủ nội quy về thực hiện vệ sinh thú y, phòng dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ...
NGUYỄN THỊ HẠNH
Theo nongnghiep.vn